Kỹ năng thuyết phục có thể được hiểu là khả năng thay đổi quan điểm, niềm tin, thái độ và hành vi của đối tượng nào đó theo hướng có lợi cho người thuyết phục, bằng cách vận dụng, kết hợp các thông tin, lý luận và thông điệp khác nhau.
Dù là tuyển nhân viên kế toán, nhân sự hay Marketing thì nhà tuyển dụng đều chú trọng đến kỹ năng thuyết phục. Trong kinh doanh cũng như môi trường công sở, những người có khả năng thuyết phục thường có lợi thế lớn khi họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định và đạt được những thỏa thuận tích cực. Thế nhưng đối với đại đa số chúng ta, thuyết phục là một kỹ năng khó, đòi hỏi vận dụng sự mềm dẻo, khéo léo, tinh ý kết hợp với chiến lược rõ ràng thì mới có thể thành công. Khi giao tiếp, khá nhiều người vẫn còn mắc những lỗi sai khiến họ khó có thể thuyết phục người khác, tạo ra rào cản khiến họ không đạt được mục đích giao tiếp. Dưới đây là 5 rào cản ảnh hưởng đến khả năng thuyết phục trong giao tiếp bạn nên lưu ý.
Không biết lắng nghe
Bí quyết của giao tiếp thành công được đúc kết thường nằm ở quy tắc 7 - 3, đó là “nghe 7 phần, nói 3 phần”. Điều này rất đúng, bởi chỉ khi chăm chú lắng nghe đối phương, chúng ta mới có thể hiểu được nhu cầu thật sự của họ, từ đó đưa ra cách thuyết phục tốt nhất. Nếu chỉ thao thao bất tuyệt nói mà không chịu lắng nghe đối phương, phần nhiều là cuộc đối thoại sẽ không thành công vì bạn không thể “chạm” tới tâm lý của người nghe - đối tượng chính mà bạn đang muốn thuyết phục.
Luôn cho mình là đúng
Đứng trước một thỏa thuận, một thương vụ hay khi đàm phán một vấn đề gì đó, điều tối kỵ nhất chính là tâm lý bảo thủ, luôn cho rằng mình là đúng. Đây là rào cản lớn khiến cuộc đối thoại sớm đi vào bế tắc. Bạn nên hiểu rằng, bạn có lý lẽ của mình thì đối phương cũng chỉ tin vào lý lẽ của họ, và chuyện “đúng - sai” không quan trọng bằng lợi ích, bằng kết quả cuối cùng của hai bên. Nếu nhận sai có thể giải quyết vấn đề, có thể đem lại nhiều lợi ích cho bạn hoặc cho tập thể, thì đây vẫn là điều nên làm. Dẹp bỏ tâm lý hiếu thắng trong giao tiếp sẽ giúp bạn đáng tin cậy hơn, dễ thuyết phục người khác hơn.
Suy nghĩ hạn hẹp, chỉ nhìn trước mắt
Để có thể nâng cao kỹ năng thuyết phục, điều quan trọng nhất chính là xây dựng được lòng tin đối với đối phương. Nếu bạn thể hiện bản thân như một người coi trọng lợi ích trước mắt, suy nghĩ tiểu tiết thì gần như bạn không thể có được cảm tình và sự tin cậy từ những người xung quanh. Một nhân viên bán hàng chỉ chăm chăm vào mục đích bán hàng, một nhân viên chỉ luôn nghĩ đến chuyện tăng lương, một vị quản lý chỉ thích chạy theo doanh số, thành tích hay một đại diện doanh nghiệp chỉ muốn ký được hợp đồng thật nhanh... mà bất chấp những rủi ro, mạo hiểm trong tương lai, chính là những hình mẫu của tuýp người này. Nếu quá quan trọng lợi ích trước mắt, bạn sẽ khó có khả năng thuyết phục người khác bởi họ cho rằng, tất cả những gì bạn đang cố gắng thuyết phục sẽ chỉ phục vụ lợi ích của bạn. Đây là một tình huống nên tránh trong giao tiếp nói chung, và đàm phán, thuyết phục nói riêng.
Không tôn trọng suy nghĩ của đối phương
Rất nhiều người khi tranh luận, đàm phán, thường chỉ ăn nói hùng hồn, lấn át đối phương mà không có sự tôn trọng dành cho quan điểm và suy nghĩ của họ. Tuy cách giao tiếp như vậy vẫn có thể có tác dụng, nhưng gây hại cho mối quan hệ về lâu dài. Trong làm ăn kinh doanh hoặc tại môi trường công sở, chúng ta nên đề cao tinh thần hợp tác, tôn trọng, để có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp một cách lâu dài. Những người nhã nhặn, từ tốn và biết suy nghĩ cho người khác thường là những người có được lợi thế lớn hơn, họ dễ dàng chiếm được cảm tình và thuyết phục được người khác chính là nhờ những tố chất lịch thiệp, dễ gần như vậy.
Lập luận chủ quan, thiếu chứng cứ
Có rất nhiều cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt, rất nhiều cuộc đàm phán thất bại vì một nguyên nhân, đó là thiếu chứng cứ. Để thuyết phục thành công, nhất là khi bạn đang giao tiếp với một người dày dặn kinh nghiệm, sành sỏi và khôn ngoan, thì những nội dung bạn đưa ra cần phải vô cùng chặt chẽ. Để chứng minh điều A, bạn sẽ cần tới đủ các luận cứ A1, A2, B…, sắp xếp theo trình tự, đôi khi cần tới số liệu và văn bản, và từ đó thuyết phục đối phương. Sự chuẩn bị này là vô cùng quan trọng cho quá trình thương thảo, và nếu bạn đi tới bàn đàm phán chỉ với các lập luận chủ quan, lỏng lẻo, thiếu cơ sở, khả năng thất bại của bạn sẽ là rất cao.
Có thể nói, sử dụng ngôn ngữ khi thuyết phục đối phương là một vũ khí cực kỳ sắc bén của con người trong giao tiếp, có thể giúp chúng ta đạt được nhiều mục đích khác nhau. Bằng cách rèn luyện sự khéo léo trong giao tiếp, tránh những rào cản làm ảnh hưởng đến quá trình thuyết phục như ở trên đây, chắc chắn rằng kỹ năng thuyết phục của bạn sẽ được cải thiện ít nhiều.
Tuy vậy, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ nói, bạn cũng nên chú trọng đến loại “ngôn ngữ không lời” như cử chỉ, hành động, ánh mắt… để tăng kỹ năng thuyết phục trong giao tiếp.
Ngân Linh