Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021
Ngày 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, quy mô của Hội nghị được tổ chức khá lớn.
Ngoài việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ tiêu biểu... Hội nghị còn kết nối trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các tỉnh, thành, nhiều bộ, ngành trên cả nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Xoè Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể
Vào 17 giờ 11 phút ngày 15/12/2021, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris, Pháp, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là 1 trong 48 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được ghi danh lần này là nghệ thuật Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trong đó, Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc. Theo đại diệnBộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ chính thức được ban hành
Ngày 13/12/2021, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây được xem là phương thức nhằm chấn chỉnh các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trước nhiều biểu hiện lệch chuẩn hành vi.
Thời gian qua, dư luận dậy sóng với các hành vi “lệch chuẩn” của những người nổi tiếng, từ tuyên truyền “ăn giun đất để chữa Covid-19,” văng tục trên mạng xã hội, quảng cáo tiền ảo đến lùm xùm tiền từ thiện đến việc giới thiệu thuốc nhưng tâng bốc về hiệu quả sử dụng.
Trong bối cảnh đó thì việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội chuyên môn... được cho là một động thái tích cực trong nỗ lực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sĩ thời nay. Bộ Quy tắc ứng xử sẽ góp phần chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn trong giới nghệ sĩ ở các hoạt động như: Từ thiện, biểu diễn , có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp.
Tờ trình Dự thảo về Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Dự kiến, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.
Vụ lùm xùm bản quyền ca khúc bị "nhận vơ", nhiều nghệ sĩ kêu cứu
Từ sự việc bản quyền của Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube bị BH Media tung "gậy bản quyền" khiến dư luận xôn xao. Đơn vị này tiếp tục gây phẫn nộ khi xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.
Khi sự việc chưa kịp lắng xuống, việc bài hát Quốc ca bị tắt tiếng trong trận ĐT Việt Nam - Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2020 diễn ra vào ngày 6/12/2021 khiến dư luận bất bình. Thời điểm tắt tiếng, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Ngày 7/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.