1. The Voice Kids – Một cuộc chơi tốn kém về thời gian, tiền bạc.
Theo như tiết lộ của anh Thái, chỉ trong tuần đầu, cha con anh đã phải tiêu tốn tới gần 10 triệu đồng cho chi phí đi lại và ăn uống. Rõ ràng, đây không phải là 1 con số nhỏ.
“Tuần đầu tiên số tiền mang theo gần 2 chục triệu (chỉ phải lo ăn uống như dự kiến đã vèo mất gần 1 nửa).
Tính sơ sơ thế này… khoảng 300k tiền taxi, ăn sáng 2 bố con mất gần 100k, cơm trưa Bà Cả Q1 (đúng vị Bắc) 100 – 130k cho 2 xuất. Chiều cũng vậy… Rồi nước uống, sữa, trái cây để bồi dưỡng cho thí sinh…Mỗi ngày cũng tầm 600 -800k” .
Anh Lương Quốc Thái và con gái tại chương trình The Voice Kids.
Không chỉ thế, việc các thí sinh phải tự lo trang phục diễn cho mỗi đêm thi cũng khiến gia đình thí sinh vất vả và tốn kém không ít.
Được BTC hỗ trợ chỗ ở, song, ở trong khách sạn đồng nghĩa với việc phải chịu thêm chi phí về giặt là. Theo như anh Thái, 1 tuần dùng dịch vụ giặt là ở khách sạn tốn mất 1,7 triệu đồng. Đây quả thực là 1 con số gây đau đầu mà không phải gia đình nào cũng có thể chịu được.
Sau đó, để tiết kiệm chi phí, các phụ huynh đã nghĩ ra cách nấu nướng, giặt giũ trong…nhà vệ sinh của khách sạn.
Ngoài ra, việc chương trình diễn ra trong 1 thời gian khá dài (Chính thức lên sóng từ 1/6/2013, và đến nay vẫn chưa kết thúc) điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, cuộc sống của phụ huynh và thời gian học tập của các bé.
2. Thiếu tương tác với thí sinh và gia đình
Mặc dù được BTC hỗ trợ về chỗ ở, song sự đại khái, yếu kém trong tổ chức đã gây ra những bất cập đáng nói.
Cảnh phụ huynh giặt giũ trong nhà vệ sinh của khách sạn.
Anh Thái viết trong nhật ký: “Chả là cứ 2 thí sinh được bố trí ở 1 phòng vì thế khi vừa mới vào thì 2 ông bố có 2 con gái ở với nhau, 2 bà mẹ có 2 con trai ở với nhau… Khi không ghép được thì bố có con trai ở cùng phòng với mẹ cũng có con trai… Haha! Kết quả là nhiều buổi trưa có bố cứ trầm ngâm ở dưới lễ tân không về phòng. Đơn giản vì bất tiện!”
Không chỉ yếu kém trong khâu bố trí phòng ốc cho các thí sinh, mà Cát Tiên Sa còn tỏ ra thiếu chuyên nghiệp trong việc tương tác cùng thí sinh và gia đình các bé.
Cụ thể nhất là việc khi đưa con gái đi thi vòng liveshow, anh Thái- mặc dù là người nhà thí sinh- không thể tìm được chỗ đứng trong khán đài.
“Con gái thì được BTC đưa đi theo đoàn, riêng mình thì phải tự vào tìm chỗ ngồi trong khu vực sân khấu. Tiếc thay khi đến cửa soát vé thì không được bảo vệ cho vào. Lý do là: “không biết ông là ai cả, muốn vào thì bảo người của CTS ra dẫn thì mới cho vào”.
Sau khi anh tìm được cách để vào khán phòng thì “đứng đâu cũng bị đuổi”.
Việc thiếu tương tác giữa BTC với người nhà thí sinh và với chính bản thân thí sinh cũng khiến nhiều người cảm thấy buồn lòng. Theo anh Thái, “Các bậc phụ huynh cũng như các bé hẫng hụt vô cùng. Bởi, khi rời cuộc chơi (bị loại) thì BTC không hề có 1 động thái (dù là chia tay hay một lời động viên khích lệ chứ đừng nói gì đến quà lưu niệm hay logo của chương trình)”.
3. Chương trình thực tế nhưng cái gì cũng có kịch bản.
Theo nhật ký của anh Thái, người đọc có thể phát hiện ra một số “kịch bản” được sắp đặt phía sau chương trình.
“Trong lúc con gái đang được make up thì cô biên tập của chương trình lôi mình ra phỏng vấn… đề nghị nhận xét về 1 thí sinh khác. Ôi mẹ ơi! Đúng là làm gì cũng có kịch bản. Diễn hết! Ừ, diễn thì diễn… và thế là tớ diễn! nhận xét, đánh giá về thí sinh cứ y như vừa nghe hát xong”.
Là chương trình truyền hình thực tế, nhưng The Voice Kids lộ khá nhiều 'kịch bản'.
4. Khâu bình chọn “có vấn đề”
Đầu tiên, trong liveshow 1, mới chỉ có 4 bé hát, nhưng theo kịch bản, các MC vẫn kêu gọi khán giả bình chọn cho cả 15 thí sinh. Trong khi đó, BTC lại thiếu sót khi không cho chạy chữ có nội dung tên và mã số thí sinh để khán giả dễ dàng bình chọn cho thí sinh của mình.
Thứ hai, sau khi bé Lương Thuỳ Mai đã dừng cuộc chơi, anh Thái nhắn tin bình chọn cho con thì hệ thống vẫn chấp nhận tin nhắn của anh.
“Bất giác, tôi nhấc điện thoại và bấm mã số của con rồi gửi 7257 thì tin nhắn bình chọn cho con tôi vẫn có giá trị. Tổng đài vẫn mở không chỉ đón nhận tin nhắn của các bé đang đi tiếp mà nhận cả tin của những bé đã dừng cuộc chơi như con tôi”.
5. Không có "đầu ra" cho các thí sinh.
Một vấn đề khác khá nan giải mà không chỉ The Vocie Kids mắc phải, đó là vấn đề "đầu ra" cho các thí sinh. Sau chương trình này, dù là thí sinh lọt top 15, top 3, kể cả là quán quân thì sau đó, BTC cũng không có bất cứ 1 kế hoạch đào tạo phát triển tài năng nào cho các bé.
Như vậy, sau 1 cuộc chơi khá tốn kém, khá ồn ào, tài năng đã được tìm ra, song lại bị bỏ phí, bị quên lãng.
Anh Thái nhấn mạnh: "Chương trình không có liên kết với bất cứ trường âm nhạc nào để có thể đưa các bé trong TOP 15 – 9 – 3 và cũng không định hướng đào tạo âm nhạc cho các bé đã vào đến TOP này, vì thế cuộc thi chỉ đơn thuần như 1 cuộc chơi – Một cuộc chơi tốn kém".
Theo Tri thức trẻ