Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm
Báo Công Thương dẫn số liệu từ thông cáo báo chí của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố cho thấy, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương.
Về các mặt hàng cụ thể, 4 tháng đầu năm 2023, trong khi mặt hàng gỗ dán được sản xuất từ gỗ cứng chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh do chịu tác động của cuộc điều tra do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiến hành từ giữa năm 2021 về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp, thì sản phẩm gỗ dán sử dụng trong xây dựng (gỗ dán phủ film) xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU lại tăng.
Bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ván sợi sang thị trường Ấn Độ đạt 21,19 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (7,6 triệu USD). Ván sợi hiện chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ.
Với mặt hàng ván bóc, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 69,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này như Trung Quốc (57,2 triệu USD), Campuchia (3,4 triệu USD) đều tăng lần lượt 1% và 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu ván bóc sang thị trường Ấn Độ cũng tăng mạnh từ 284,5 ngàn USD trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 3,1 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cũng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặc dù giá xuất khẩu dăm gỗ giảm rất mạnh so với cuối năm 2022, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ trong 4 tháng năm 2023 đạt trên 4,1 triệu tấn, với trị giá 704,4 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Xuất khẩu viên nén 4 tháng đầu năm đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch 213,04 triệu USD, giảm 22% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá xuất khẩu viên nén đã giảm rất mạnh.
Trao đổi với báo Nhân Dân, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm. Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023. Hằng năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và đang chuẩn bị nguyên liệu cho các tháng tiếp theo xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng.
Chia sẻ với báo Thanh Niên về khó khăn hiện tại, đại diện Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Leglor (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết chỉ còn hoạt động cầm chừng, đã cho công nhân nghỉ bớt. Thiếu đơn hàng và giờ là thiếu vốn khiến công ty càng khó xoay xở.
Theo vị này, thông thường với ngành gỗ, đối tác nước ngoài sẽ đặt đơn hàng trước hơn 1 năm. Vì vậy, đơn hàng của năm 2023 từ cuối năm vừa qua mà không có thì đến nay rất khó để có. Doanh thu của công ty cả năm nay sẽ chỉ còn khoảng 20 - 30% so với năm 2022. Để có thể tìm được đơn hàng cho năm sau thì sắp tới công ty phải tham gia hội chợ ngành đồ gỗ sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Từ nay đến đó sẽ phải chuẩn bị làm hàng mẫu để giới thiệu, chào hàng với các đối tác… nhưng tình hình khá khó khăn, đặc biệt thiếu vốn do công ty chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng nên chưa biết sẽ thực hiện như thế nào, còn tìm kiếm thêm khách hàng mới ngay là "không thể nào". Bởi, tình hình tiêu thụ chung trên toàn thế giới đều giảm, nhất là các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu.
"Hơn nữa, các đối tác lớn từ trước đến nay như Tập đoàn IKEA, Carrefour, Walmart… đều đặt hàng khắp nơi và không chỉ tiêu thụ tại Mỹ, châu Âu mà từ đó còn bán hàng đến hàng loạt quốc gia khác. Vì vậy, dù doanh nghiệp có tìm kiếm ở các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ… thì cũng không dễ có được khách hàng mới", vị này nói.
Kỳ vọng phục hồi
Theo đánh giá của Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 tới nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ là 100.000 tấn/tháng. Trong khi đó tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2 - 3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này.
Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 98% tổng lượng đã và đang có tín hiệu tốt.
Thị trường EU dường như đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, dự báo xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá cả và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023.
Thông tin trên báo Công Thương, mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, chủ yếu do các tác động từ bên ngoài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kỳ vọng, với vị thế hiện có trong thương mại gỗ toàn cầu, cùng với năng lực cạnh tranh đã được thử thách và đội ngũ doanh nhân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thương trường, doanh nghiệp gỗ Việt sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng khi thị trường gỗ toàn cầu phục hồi.
Để trợ lực cho doanh nghiệp ngành gỗ lúc này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đề nghị, các Bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế.
Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.
Theo báo Nhân Dân, đối với vấn đề phòng vệ thương mại, hiện ngành gỗ đang đối diện với hai vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan ngoại giao trao đổi với Bộ Thương Mại Mỹ đề nghị giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định.
Đối với vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7 và kéo dài đã ba năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển dịch sang các thị trường khác mua hàng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cần có các thông tin cảnh báo sớm, các thông tin thị trường để định hướng cho các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra. Đồng thời, hỗ trợ về mặt truyền thông cho các doanh nghiệp, hướng tới mặt hàng có thế mạnh, doanh nghiệp có thế mạnh sản xuất ở các thị trường chủ lực.
Về phía Hiệp hội, sẽ gửi thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp có năng lực để tham tán thương mại ở các nước, quảng bá và truyền thông.
Để có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp gỗ, các cơ quan đại diện và các bộ, ngành đề nghị, trước mắt các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nghiên cứu để đáp ứng đúng nhu cầu của từng thị trường, xây dựng quan hệ sâu với khách hàng, đầu tư xây dựng thương hiệu; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quy mô và tính ổn định của chuỗi cung ứng; có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp trong quảng bá, phát triển thị trường.
Về dài hạn, cần tập trung đầu tư, đổi mới về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường, chuẩn bị kỹ hồ sơ pháp lý để hạn chế các rủi ro về tranh chấp, phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng hợp pháp...
Minh Hoa (t/h)