Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng mây, tre, cói, thảm của Việt Nam đạt 66,37 triệu USD, giảm nhẹ 0,4% so với tháng 4/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 334,5 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ dù nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.
Theo báo Công Thương, về thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 136,7 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỉ trọng 40,9%. Riêng tháng 5, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm sang Hoa Kỳ đã thu về hơn 31,5 triệu USD, tăng 29% so với tháng 3/2023.
Xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản. Tháng 5, nước này nhập khẩu 3,6 triệu USD, giảm 8,7% so với tháng 5/2023. Lũy kế 5 tháng, Việt Nam thu về 20,9 triệu USD nhờ xuất khẩu mặt hàng này sang xứ anh đào, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỉ trọng 6,3%.
Thị trường Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với 20,5 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỉ trọng 6,1%. Riêng tháng 5, thị trường này nhập khẩu từ Việt Nam 2,4 triệu USD, giảm mạnh 37% so với tháng trước.
Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu mây tre đan nhiều nhất thế giới và đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu thảm, với kim ngạch tăng trưởng trung bình 29,5%/năm. Các chuyên gia nhận định, khả năng chiếm lĩnh 10 - 15% thị phần thế giới là hoàn toàn khả thi. Khi quy mô thị trường tre toàn cầu dự kiến đạt 82,9 tỷ USD vào năm 2028, mây, tre có thể mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, hàm lượng xuất khẩu rất cao.
Cơ hội cho Việt Nam chiếm lĩnh thị trường mây, tre đan rất nhiều bởi diện tích tre trong nước lên đến 1,5 triệu ha, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha. Tài nguyên tre Việt Nam phong phú và đa dạng với hàng trăm loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai.
Đặc biệt, theo báo Đại Đoàn Kết, cả nước có khoảng trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề trong cả nước. Trong đó, khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam Bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông. Đây sẽ là lợi thế để sản phẩm thủ công mây, tre, cói phát triển trên thị trường thế giới.
Mặc dù có nhiều lợi thế về nguyên liệu cũng như nguồn nhân lực, song hiện nay nếu so với những mặt hàng xuất khẩu thu tỷ USD, xuất khẩu hàng mây, tre, cói của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: RCEP, CPTPP, EVFTA… mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mây, tre, cói, thảm của Việt Nam; nhất là những thị trường có nhu cầu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trong khi đó, nghề mây tre đan gần như bị xóa sổ ở các nước phát triển do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Đây là cơ hội vàng cho các làng nghề truyền thống Việt Nam.
Một số thị trường mới nổi những năm gần đây như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Australia… đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các mặt hàng mây tre đan từ Việt Nam. Cụ thể, những năm gần đây, Trung Quốc và Tây Ban Nha đã gia tăng nhập khẩu các mặt hàng mây tre đan Việt Nam với mức tăng đáng kể, đó là cơ hội để cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, cói, thảm có cơ hội tăng tốc.
Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng hiện các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về áp dụng khoa học kỹ thuật; lao động trẻ có trình độ tại các làng nghề không nhiều; một số kỹ thuật truyền thống tinh xảo có nguy cơ mai một; không có sự liên kết giữa các làng nghề; thiếu kiến thức về thị trường tiêu thụ...
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho rằng, xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thay đổi, đòi hỏi quy trình sản xuất phải minh bạch, rõ ràng, từ vùng nguyên liệu đến cả quá trình làm ra sản phẩm. Theo đó, có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề thông qua thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa.
Cũng theo ông Ngọc, nếu chúng ta đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cho ngành không chỉ dừng lại ở con số hơn 3 tỷ USD như hiện nay, mà có thể sớm đạt được tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm và đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2030.
Minh Hoa (t/h)