Nhuộm răng đen
Có thể nói, nhuộm răng là một trong những phong tục xưa của nhiều dân tộc ở Đông Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia và miền Nam Trung Quốc. Nhưng phổ biến nhất vẫn là ở Việt Nam.
Nếu như thời nay một hàm răng chắc khoẻ và trắng bóng là chuẩn mực của cái đẹp thì thời trước lại chuộng hàm răng đen bóng.
Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.
Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục lệ này. Tuy nhiên, mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.
Biểu tượng sắc đẹp của thời ấy chính là da trắng, răng đen. Nên các cô gái rất chuộng hàm răng có màu đen này. Cô nào có răng càng đen, càng bóng và nước da càng trắng thì càng được các đấng mày râu theo đuổi.
Quá trình nhuộm răng đen và gìn giữ hàm răng ấy cũng rất công phu và mất công
Tục nhuộm răng từ đó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Ai không nhuộm răng thì nhất định bị coi là đi ngược lại tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi.
Còn ở Nhật Bản người phụ nữ Nhật Bản lại nhuộm răng đen để được xem là một biểu tượng của vẻ đẹp và sự cam kết trong hôn nhân ở suốt thế kỷ thứ 19.
Vẽ lông mày thành nhiều dáng
Ở Trung Hoa cổ đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9, phụ nữ thường nhổ hoặc cắt xén bớt đôi mày tự nhiên của mình rồi tạo hình lại cho chúng bằng cách vẽ lên đó. Và đôi chân mày mới này thường có những hình thù trông rất kỳ quặc, nếu nhìn nhận theo thẩm mỹ của chúng ta ở thời đại này.
Kéo cổ dài
Một số dân tộc thiểu số ở châu Á và châu Phi vẫn duy trì kiểu làm đẹp kéo dài cổ nhờ những chiếc vòng đồng.
Do ảnh hưởng của cách làm đẹp này, cổ của những người phụ nữ này yếu ớt đến mức không nâng nổi đầu và gần như sẽ gãy cổ nếu tháo bộ vòng ra.
Tục bó chân của người Trung Quốc
Được manh nha từ thời nhà Tống nhưng phổ biến nhất ở thời nhà Thanh, tục bó chân của người Trung Quốc được xem là phương thức làm đẹp dã man nhất đối với người phụ nữ.
Chỉ vì "tam tấc kim liên" mà người ta có thể khiến một cô gái trở thành kẻ tàn tật bằng cách bẻ cong làm gãy xương chân từ khi còn rất nhỏ rồi bó chặt khiến xương ngón chân chạm tới gót chân.
Cô gái sau đó sẽ mất khả năng lao động nặng, đi lại hạn chế thậm chí đứng lên cũng rất khó nên điều này chỉ áp dụng cho giới quý tộc, nhà giàu có người hầu hạ.
Chỉ vì làm vui lòng những người đàn ông, những phụ nữ bó chân phải chịu bao đau đớn khổ sở, biến chứng nhiễm trùng thậm chí mất cả mạng sống. Hủ tục này đã bị nghiêm cấm sau năm 1949.
Ngày nay, người ta chỉ còn thấy những chứng tích ít ỏi của tập tục này trên bàn chân của một số bà cụ già.
Ganguro
Xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu thập niên 1990, thời trang kiểu ganguro đặc trưng với lối nhuộm da mặt màu nâu đồng bóng loáng, kết hợp những màu tóc sáng như bạch kim, hồng nhạt hay vàng nâu, son môi và kẻ mắt trắng toát.
Kiểu làm đẹp khác thường này tồn tại không lâu, vì nó biến những cô gái "xứ hoa anh đào" xinh đẹp trở thành những cô nàng thổ dân quái lạ.
Phương Vy (t/h)