Yuri Alekseievich Gagarin nguyên là phi công lái máy bay tiêm kích đã được chính phủ Xô Viết khi đó tin tưởng giao trách nhiệm điều khiển con tàu vũ trụ mang tên Phương Đông bay một vòng xung quanh Trái Đất. Toàn bộ chuyến bay kéo dài 1 giờ 48 phút.
Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ hôm 12/4/1961. Ảnh: ABC News
Sau chuyến bay có tính lịch sử với cả nhân loại này, Yuri Gagarin đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, ghi một dấu ấn đậm nét trong lịch sử loài người và tạo nên thành quả vĩ đại nhất của Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Khi thực hiện chuyến bay lịch sử đánh dấu một mốc quan trọng trong việc tìm hiểu và khám phá vũ trụ này, Yuri Gagarin mới chỉ có 27 tuổi.
Trước một vài tuần khi quyết định đưa Gagarin lên vũ trụ, một con tàu khác đã được phóng lên thử nghiệm để đảm bảo độ an toàn. Con tàu đó mang tên Vostok 3KA-2 mang theo mình một người nộm có tên là Ivan Ivanovich cùng một chú chó có tên là Zvezdochk. Năm 1993, người nộm này đã được đem bán đấu giá tại nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby.
Để làm được điều này, tàu Phương Đông đã phải đạt được vận tốc 17.500 mph (~7823 m/s) mới có thể thắng được trọng lực của Trái Đất. Đây là vận tốc chưa từng đạt được trong lịch sử của loài người tính tới thời điểm đó. Tàu vũ trụ Phương Đông (Vostok) lúc đó được thiết kế dạng hình cầu và chỉ đủ chỗ cho duy nhất Gagarin. Tàu này cũng không được thiết kế để có thể hạ cánh khi vẫn có người ngồi trong nên sau khi “dạo quanh” một vòng Trái Đất, Gagarin đã phải nhảy ra khỏi tàu và sử dụng dù để tiếp đất ở độ cao 4 dặm (~6.4km).
Hàng trăm nghìn người dân Nga tràn ra các đường phố ở thủ đô Matxcơva của Liên Xô cũ khi biết tin Gagarin bay vào vũ trụ thành công. Sự kiện đó cho thấy vai trò dẫn đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Vị trí đó thuộc về Liên Xô cho tới khi Mỹ đưa người lên mặt trăng vào năm 1969. Sự hiện diện của Gagarin tại Nga được thể hiện qua bức tượng titan có chiều cao 40 m của ông tại Matxcơva. Hai cánh tay của ông dang rộng sang hai bên giống như siêu nhân chuẩn bị bay lên trời.
Năm 1968, khi đang tập luyện cùng MiG-15, Gagarin cùng phi công hướng dẫn V. Seregin đã gặp tại nạn vào khoảng 10h31′ khi đã hoàn thành bài tập luyện trở về và mãi mãi ra đi ở tuổi 34. Có rất nhiều giả thiết khác nhau về tai nạn này, tuy nhiên giả thiết có vẻ khoa học nhất cho tới thời điểm này là do thời tiết xấu khiến Gagarin và Seregin không thấy rõ được chướng ngại vật nên đã mất thăng bằng. Tiếp theo đó, tai nạn diễn ra khá nhanh khiến hai phi công không kịp nhảy dù ra ngoài.
Quế Mai (tổng hợp)