“50 sắc thái” Tết của con gái FA

“50 sắc thái” Tết của con gái FA

Đào Lan Anh

Đào Lan Anh

Thứ 6, 08/02/2019 09:00

Tết ẩn chứa rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Từ nỗi lo Tết “ấm” của những bậc cha mẹ, niềm hân hoan trẻ nhỏ, nỗi cô đơn người già cho đến “50 sắc thái” mà những cô gái, chàng trai FA phải đối mặt.

“Xuân đã đến nghĩa là Xuân đương qua” – cái chân lý Xuân Diệu nói từ lâu, và vẫn được các cụ ở quê áp dụng triệt để. Bố mẹ tôi nông dân thứ thiệt nhưng cỡ thơ Xuân Quỳnh không thuộc hết quyển cũng phải thuộc những câu tiêu biểu.

Mẹ tôi thỉnh thoảng phím nó theo ý tứ dân gian hay nói: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi” để giục tôi chuyện chồng con. Và Tết này, đó là slogan, chủ đề không chỉ của riêng gia đình tôi.

Bố mẹ tôi chưa tân tiến đến mức trở thành “tượng đài” trong lòng những kẻ chưa tìm được một nửa. Bởi vậy, chuyện treo biển: “Nhà có cháu gái lớn chưa gả chồng/Chúc Tết xin đừng hỏi nhiều” hoặc “Nhà có con trai lớn chưa lấy vợ/Chúc Tết đừng hỏi nhiều, kẻo nó cục lên nó đánh...” như ông/bà/bố/mẹ “nhà người ta”... tất nhiên không xảy ra.

Cafe8 - “50 sắc thái” Tết của con gái FA

Ảnh minh họa từ internet

Thế nhưng, được đả thông tư tưởng nên tâm lý bố mẹ tôi có phần thoải mái hơn trong Tết năm nay. Dù đôi lúc, bố mẹ thở dài trước cám cảnh con gái “hờ hững” với hôn nhân.

Tôi đã từng nổi cáu vì những câu chuyện liên quan đến việc chồng con của bố mẹ. Nhưng sự thật, quá nửa đời người, bố mẹ tôi vẫn đang phải hứng chịu vô vàn áp lực từ những câu hỏi mang đầy tính thách thức của người họ hàng tốt bụng hay bác hàng xóm thân tình. Mà Tết này là thời gian tôi được trải nghiệm, cảm nhận rõ ràng nhất những điều đó.

Chải tóc mượt mà, tô son tươi thắm, tôi ưỡn ngực, khoác tay mẹ bước ra đường đi sắm Tết. Chưa kịp ngẩng mặt lên, mẹ tôi đã sấp mặt trả lời câu hỏi: “Bao giờ cháu/con nhà chị lấy chồng”?

Tỏ ra đảm đang, không để mang danh gái lớn ngủ “trương thây đẫy xác”, tôi hùng hổ xách xô bột bánh đi xát phụ mẹ. Ấy vậy mà vừa thấy bóng dáng mẹ con tôi, câu hỏi: “Hai chị em đi chợ đấy à?” đã vang lên từ xa kèm điệu cười khoái trá.

Thậm chí, khi mẹ tôi vừa ló mặt ra cổng... đổ rác, bác hàng xóm tốt bụng cũng kịp thăm nom chu đáo: “Con gái lớn bao giờ lấy chồng chị? Em mài răng mấy lượt rồi vẫn chưa được ăn cỗ...”

Vâng, không biết từ khi nào, những gia đình không còn “bom nổ chậm” có đặc quyền được vênh vác. Cứ nhìn thấy bố mẹ tôi, người ta lại vồ vập hỏi thăm và quăng hàng tá câu hỏi có phần vô duyên như vậy...

Và tất nhiên, phụ huynh bị làm phiền 1 thì không có lý gì "học sinh" lại được yên thân.

Tết năm nay, những câu hỏi “ngại đổi mới”, trường kỳ từ năm này qua năm khác lại vang vọng khắp đường làng, ngõ xóm:

“Tết này, bố mày không được chai rượu ngoại, nồi cá kho nào à con?

“Năm sớm nhắc nhẹ, lớn rồi đấy chứ chẳng bé bỏng gì nữa đâu. Các anh nói là cô phải biết đường mà làm”.

“Nhìn mặt mũi đến đâu mà vẫn chưa rước được thằng nào về?”

“Kiếm phò mã uống rượu giờ có vẻ khó ghê”.

“Ơ, chị ạ, e tưởng chị trốn trong buồng. Ngày xưa chưa lấy được vợ, em cũng toàn thế...”

“Thôi cô ở nhà mà chơi, không phải sang hàng xóm chúc Tết đâu. Anh chị đi chúc Tết mà đau đầu vì phải trả lời người ta xem bao giờ cô lấy chồng?”

Không ai có ý xấu, chỉ là quan tâm và ngại đổi mới câu hỏi. Nhưng, Tết Kỷ Hợi 2019 trời nắng đẹp lắm, 1 tuần nữa là Valentine, những "người dưng" đừng sát muối vào lòng những kẻ cô đơn.

Khi nào cưới, bố mẹ cháu sẽ báo...

Mộc Miên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.