Quận 8 là địa phương cuối cùng của TP.HCM bị virus Zika tấn công với 2 ca bệnh liên tiếp được ghi nhận trong tháng 3/2017. Như vậy, toàn bộ 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều có trường hợp mắc loại virus này.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, TP.HCM có thêm 19 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định thông qua hệ thống giám sát dịch chủ động, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thành phố lên 210 trường hợp tính từ năm 2016.
Trước tình hình trên, các chuyên gia y tế cảnh báo, người bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt có thể nhiễm virus Zika. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng.
Muỗi Aedes có thể tồn tại ở đâu?
Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng truyền virus Zika. Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi vằn Aedes không sống được ở nhiệt độ khí hậu lạnh hơn. Muỗi Aedes albopictus cũng có thể truyền virus. Muỗi này có thể ngủ đông và tồn tại ở các vùng có nhiệt độ mát.
Những triệu chứng của bệnh virus Zika:
Virus Zika thường gây bệnh nhẹ; với các triệu chứng xuất hiện một vài ngày sau khi người đó bị đốt bởi muỗi nhiễm bệnh. Hầu hết những người bị bệnh virus Zika sẽ bị sốt nhẹ và phát ban. Những người khác cũng có thể viêm kết mạc, đau cơ, khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày.
Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?
Cơ quan y tế hiện đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Cho đến khi chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt. Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ mình có thể mắc bệnh virus Zika, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai.
Điều trị bệnh virus Zika như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng xấu đi, mọi người nên tìm sự tư vấn y tế. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin cho bệnh này.
N.Giang