Ngày 25/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Công ty Cổ phần Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam Toàn Cầu đã tổ chức giới thiệu trưng bày tranh về Hoàng Thành và Cành non sông, Di sản Văn hoá của Hà Nội mang tên “Dấu thiêng” của hoạ sĩ Chu Nhật Quang.
Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật quan trọng, không chỉ đánh dấu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) mà còn mở ra một không gian tôn vinh nghề sơn mài truyền thống – một di sản quý báu của văn hóa Việt Nam. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5/10/2024 đến 15/10/2024, tại khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long.
Buổi họp báo thu hút đông đảo giới truyền thông, các họa sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng.
Trong không gian đậm chất lịch sử của Hoàng Thành, 52 bức tranh sơn mài được sắp xếp thành bốn chủ đề lớn: Khôi, Cội, Linh và Nôi. Những tác phẩm này thể hiện tình yêu sâu sắc của họa sĩ Chu Nhật Quang với di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt là nghề sơn mài - một trong những nét tinh hoa độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sơn mài, họa sĩ Chu Nhật Quang cho biết: "Nghề sơn mài truyền thống đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ khi còn bé. Mỗi tác phẩm là sự tỉ mỉ và tâm huyết được đổ vào từng lớp sơn, từng đường nét. Tôi muốn qua triển lãm này không chỉ tái hiện cảnh sắc quê hương, mà còn khắc họa những mối liên kết bất biến giữa con người, văn hóa, và tự nhiên", anh bày tỏ.
Chu Nhật Quang lớn lên trong một gia đình nghệ thuật với sự ảnh hưởng sâu sắc từ ông nội là Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn - người gắn bó với nghệ thuật sơn mài, và cha là Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng - Nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long. Những giá trị truyền thống từ gia đình đã trở thành nền tảng vững chắc, nuôi dưỡng đam mê và sáng tạo cho họa sĩ trong suốt hành trình nghệ thuật.
Triển lãm "Dấu thiêng" mở ra với bốn chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề mang trong mình một câu chuyện riêng biệt về văn hóa, truyền thống và cuộc sống Việt Nam.
Chủ đề "Khôi": Gồm 14 bức tranh tĩnh vật, tái hiện những đồ vật quen thuộc từ bình gốm, hoa quả, cho đến các vật dụng gia đình. Qua bàn tay tài hoa của Chu Nhật Quang, những vật phẩm này hiện lên sống động và có chiều sâu. Chu Nhật Quang chia sẻ rằng đây là sự phản chiếu ký ức về thời gian anh gắn bó với nghệ thuật làm gốm như một lời tri ân với quá khứ.
Chủ đề "Cội": Gồm 17 tác phẩm, tập trung vào các địa danh di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Chùa Một Cột, và Chùa Thầy. Những hình ảnh biểu tượng như mẹ Âu Cơ, ruộng bậc thang, và cảnh sinh hoạt nông thôn được thể hiện qua lớp sơn mài lung linh, nhắc nhở người xem về cội nguồn văn hóa của dân tộc.
Chủ đề "Linh": Bao gồm 9 bức tranh khắc họa yếu tố tâm linh và triết lý Phật giáo. Hình ảnh hoa sen, sân khấu thủy đình, và những ngôi làng cổ xuất hiện đầy trang nghiêm, giúp người xem chiêm nghiệm về giá trị tinh thần và sự giác ngộ.
Cuối cùng, chủ đề "Nôi": Với 12 tác phẩm, tập trung vào những hình ảnh gắn liền với ký ức về quê hương như đình làng, múa rối nước, và cảnh sinh hoạt dân dã. Đây là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, đồng thời gửi gắm thông điệp bảo tồn các giá trị truyền thống.
Buổi họp báo không chỉ là dịp để giới thiệu các tác phẩm của Chu Nhật Quang mà còn là cơ hội để những người trong ngành chia sẻ quan điểm và nhận định về nghệ thuật sơn mài hiện đại. Nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong những người có tầm ảnh hưởng trong giới nghiên cứu văn hóa, đã dành những lời khen ngợi cho hành trình nghệ thuật của Chu Nhật Quang.
"Từ góc nhìn của một người làm nghề sử, tôi cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Anh đã dẫn thân vào việc làm mới nghệ thuật truyền thống của cha ông, trải qua nhiều thử thách và tìm tòi cách để phát triển.
Những tác phẩm này dù còn mới mẻ, nhưng tôi tin rằng với nhiệt huyết và sức sáng tạo, anh sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn. Xin chúc mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào hành trình của anh", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng không giấu được sự ngưỡng mộ đối với sự sáng tạo và tầm nhìn của Chu Nhật Quang.
"Với sự kế thừa và phát triển nghệ thuật tử gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Những tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc", Nhà văn - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Triển lãm "Dấu thiêng" không chỉ là dấu ấn của một nghệ sĩ tài hoa, mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống, để chúng tiếp tục lan tỏa và hòa nhập trong dòng chảy không ngừng của thế giới.
Với tầm nhìn và sự sáng tạo không ngừng, họa sĩ Chu Nhật Quang chắc chắn sẽ còn đi xa hơn trên con đường phát triển nghệ thuật sơn mài, tiếp tục là nguồn cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ và giữ vững ngọn lửa văn hóa truyền thống trong trái tim người Việt.