Khoảng 52 triệu cử tri Thái Lan, bao gồm 4 triệu cử tri mới, đang đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được coi là một bước ngoặt quan trọng đối với đất nước sau một thập kỷ lãnh đạo của chế độ thân quân sự.
Các cử tri sẽ được trao 2 lá phiếu, một lá phiếu cho khu vực bầu cử địa phương của họ, và lá kia cho đảng ưa thích của họ ở cấp quốc gia.
Các điểm bỏ phiếu trên khắp quốc gia Đông Nam Á bắt đầu mở cửa từ lúc 8h sáng ngày 14/5, và sẽ đóng cửa lúc 5h chiều cùng ngày.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết, họ mong đợi tỉ lệ cử tri đi bầu là 80% trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cao hơn tỉ lệ 75% mà Ủy ban ghi nhận trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019.
Các kết quả không chính thức đầu tiên sẽ bắt đầu xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Kết quả từ 95.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc sẽ được tổng hợp, xác minh và công bố trên trang web của Ủy ban Bầu cử Thái Lan từ 7h tối, và dự kiến kết quả không chính thức sẽ có trước 11h đêm cùng ngày.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2023 đang được định hình là cuộc đấu tay đôi giữa phe đối lập thân dân chủ, dẫn đầu bởi các Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) và Đảng Tiến lên (MFP), và khối thân quân sự cầm quyền, bao gồm Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTNP) của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-Ocha.
Mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy phe đối lập dẫn đầu đáng kể, nhưng sẽ không dễ dàng để đảm bảo tối thiểu 376 ghế trong tổng số 750 ghế (với 500 ghế Hạ viện, 250 ghế Thượng viện) cần thiết để thành lập chính phủ mới.
Hiến pháp do quân đội soạn thảo cho phép 250 thành viên Thượng viện, tất cả đều được lựa chọn cẩn thận bởi chính quyền thân quân sự lên nắm quyền vào năm 2014, bỏ phiếu bầu Thủ tướng tiếp theo của đất nước.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA), Pheu Thai, do gia tộc Shinawatra hùng mạnh lãnh đạo, sẽ giành chiến thắng với hơn 38% phiếu bầu, tiếp theo là MFP với gần 34%. UTNP của ông Prayuth chỉ giành được 12% phiếu bầu.
Các vấn đề bao gồm đình trệ kinh tế, quân dịch và thậm chí cả chính sách cần sa đã được thảo luận sôi nổi trong suốt một chiến dịch dài. Nhưng cốt lõi của cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5 là cuộc đấu tranh cho dân chủ, dẫn đầu bởi những người trẻ tuổi yêu cầu chấm dứt chu kỳ đảo chính và các chính phủ được quân đội hậu thuẫn.
Theo các chuyên gia, có một số “điều không chắc chắn” xung quanh cuộc bầu cử ở quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm liệu phe thân quân đội có chấp nhận kết quả hay không, liệu đảng giành chiến thắng có thể thành công thành lập chính phủ liên minh hay không, thậm chí cả những lo ngại về khả năng các đảng chính trị lớn giải thể như đã thấy trong các cuộc bầu cử trước…
“Cuộc bầu cử là đỉnh điểm của một cuộc giằng co đầy biến động đã khiến đất nước rơi vào bế tắc chính trị với hiệu quả kinh tế dưới mức trung bình trong 2 thập kỷ, được đánh dấu bằng 2 cuộc đảo chính quân sự, 2 bản Hiến pháp... và sự giải tán của các đảng chính trị lớn”, ông Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết.
“Nhưng điều làm cho cuộc bầu cử năm 2023 của Thái Lan khác biệt về cơ bản là sự trỗi dậy của Đảng MFP”, Giáo sư Pongsudhirak nói với tờ The Telegraph (Anh). “Mặt trận mới của Thái Lan, và tiếng kêu xung trận của các thế hệ trẻ, là cải cách và điều chỉnh quân đội và chế độ quân chủ”.
Pheu Thai – một đảng dân túy dẫn đầu các cuộc thăm dò và được lãnh đạo bởi bà Paetongtarn Shinawatra, con gái và cháu gái của 2 cựu Thủ tướng nổi tiếng bị lật đổ trong các cuộc đảo chính gần đây – là đồng minh rõ ràng nhất của MFP.
Cùng với nhau, Pheu Thai và MFP chắc chắn sẽ giành được hơn một nửa số ghế ở Hạ viện, nhưng ảnh hưởng của Thượng viện đối với việc bầu chọn Thủ tướng có thể cản trở bước tiến của phe đối lập.
Mâu thuẫn giữa lãnh đạo của 2 đảng này về cách tiến hành cải cách chế độ quân chủ cũng có nghĩa là họ “không dễ dàng liên minh hậu bầu cử”, Giáo sư Pongsudhirak cho biết.
Minh Đức (Theo La Prensa Latina, The Telegraph, Al Jazeera)