Số liệu công bố của Hội thẻ Việt Nam cho biết số lượng thẻ ngân hàng phát hành tính đến cuối năm 2017 là 132 triệu thẻ, nhưng chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại là thẻ khách không sử dụng (thẻ rác).
Nhu cầu dùng thẻ ngân hàng để thanh toán trong xã hội hiện nay ngày càng tăng, một người có thể sử dụng hoặc sở hữu nhiều thẻ. Nhưng trên thực tế có rất nhiều thẻ ATM chỉ được dùng làm "đồ trưng bày".
Anh Lưu Thanh Thứ (quê Nam Định) cho biết: “Tôi có 4 thẻ ATM tuy nhiên chỉ sử dụng một thẻ. Khi còn là sinh viên, nhà trường nhận thanh toán học phí qua ngân hàng ViettinBank nên chúng tôi mất tiền làm thẻ cùng với phí duy trì thẻ 50 nghìn đồng. Sau khi ra trường, cơ quan lại trả lương qua thẻ ATM của Techcombank nên thẻ VietinBank không dùng nữa".
“Tôi có tới 6 thẻ ngân hàng do làm vào đợt các ngân hàng tặng thẻ miễn phí. Khi đăng ký còn được tặng tiền trong thẻ lại không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu trong đó. Do vậy cứ vô tư mở nhiều thẻ bởi chẳng mất gì”, bạn Trần Ngọc Nam, sinh viên Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội cho hay.
Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Số lượng thẻ rác lên tới con số 55 triệu không phải điều quá ngạc nhiên bởi trong những năm vừa qua, các ngân hàng phát hành thẻ tràn lan để chạy theo chỉ tiêu.
Mỗi năm họ đặt mục tiêu phát hành bao nhiêu thẻ rồi giao cán bộ nhân viên thực hiện, để đạt chỉ tiêu nhân viên dùng đủ mọi cách lôi kéo cả người thân của mình mà không kể họ có nhu cầu hay không.
Trên thực tế trong thanh toán hiện nay người dân vẫn sử dụng tiền mặt nhiều. Tôi biết một số người còn có thói quen khoe nhiều tài khoản để hãnh diện với bạn bè, điều này tuyệt đối không nên”.
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng nhận định: “Không chỉ là do ngân hàng mà còn do việc quản lý thị trường tài chính lỏng lẻo tạo ra. Nguyên nhân quan trọng nữa khiến hàng chục triệu thẻ ATM có nguy cơ thành "rác" còn đến từ phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhưng vẫn sở hữu nhiều thẻ vì được mời chào”.
Đánh giá về tác động của hàng chục triệu thẻ rác trên, ông Nguyễn Trí Hiếu nói: “Thẻ rác không tạo cơ chế sinh lời, nó tạo ra chi phí không cần thiết làm tăng chi phí của ngân hàng. Bên cạnh đó, hàng loạt thẻ rác còn là rủi ro cho ngân hàng và khách hàng khi chủ thẻ không sử dụng thường xuyên sẽ vứt bừa bãi. Nếu những thẻ đó rơi vào tay kẻ gian điều này có thể gây thiệt hại cho cả phía khách hàng và ngân hàng.
Chạy theo chỉ tiêu, mở rộng thị trường và tăng số lượng khách hàng qua các kỳ khuyến mại mở thẻ miễn phí dẫn đến các con số báo cáo ảo, không đáng tin cậy về tốc độ tăng trưởng của khách hàng”.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Thẻ rác làm tăng phí tổn ngân hàng. Với 40% tổng lượng thẻ phát hành - tương đương 55 triệu thẻ rác sẽ khiến chi phí ngân hàng tăng lên từ đó họ có thể tăng phí ATM như vừa qua. Mà điều này chính khách hàng phải gánh chịu”.
Các chuyên gia nhận định, để khắc phục tình trạng thẻ "rác" ngân hàng không nên giao chỉ tiêu bừa bãi, chỉ phát hành cho khách hàng thực sự có nhu cầu. Những con số ảo không tăng thêm uy tín của ngân hàng, bản thân khách hàng cũng không nên dùng quá nhiều thẻ.
“Để đánh giá uy tín thương hiệu của một ngân hàng thì phải kể đến những yếu tố như ưu đãi lãi suất, hiệu quả kinh doanh, sự hài lòng của khách hàng… Còn con số thẻ ngân hàng ngoài kia không nói nên điều gì”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo số liệu của hội Thẻ VN, riêng năm 2017 có gần 15,6 triệu thẻ được phát hành mới, tương đương 20% số thẻ đang hoạt động thực tế trên thị trường.
Riêng 4 "ông lớn" là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank phát hành từ 2,2 đến 2,3 triệu thẻ trong năm qua, chưa kể Sacombank, Techcombank, VPBank, ACB, MBBank... cũng phát hành mới thêm vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu thẻ.
Nếu tính riêng thẻ tín dụng, số lượng thẻ phát hành mới trong năm qua cũng rất "khủng". Chẳng hạn trong năm qua Sacombank phát hành thêm hơn 112.000 thẻ tín dụng, VietinBank thêm gần 114.000 thẻ, Vietcombank hơn 105.000 thẻ tín dụng mới...
Đặng Thủy-Đàm Linh