Từ năm 2012 đến năm 2018, khoảng 7.500 nạn nhân của tình trạng mua, bán người đã được giải cứu, tiếp nhận.
Gần 90% nạn nhân trong số họ là phụ nữ, trẻ em. Rất nhiều nạn nhân trong số này thuộc các dân tộc ít người với con số hơn 80%.
Báo cáo của UNICEF chỉ ra rằng có tới 5,6% trẻ em ở Việt Nam có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em.
Báo cáo đồng thời nhấn mạnh trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc, ở trong nhiều ngành nghề khác nhau, và các em gái và em trai đều có nguy cơ như nhau.
Trẻ em và thanh thiếu niên xuất thân từ hoàn cảnh thiếu thốn và nghèo đói thường đặc biệt có nhiều nguy cơ bị buôn bán, phần lớn nạn nhân của buôn bán trẻ em đều bị bạo lực và bóc lột lao động.
"Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng về quy mô của nạn buôn bán trẻ em và trải nghiệm của trẻ em bị buôn bán và bóc lột. Nghiên cứu cũng cho thấy cả trẻ em gái và trẻ em trai đều bị ảnh hưởng, củng cố tính cần thiết cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhạy cảm về giới", bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết trong một thông cáo.
Trước đó, trả lời báo Nhân Dân, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) nhận định, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo Zing.vn, bà Kara Apland, nghiên cứu viên cao cấp của Coram International, cho biết: "Phần đông nạn nhân của buôn bán chưa bao giờ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, phát hiện của nghiên cứu chỉ ra các dịch vụ hỗ trợ chủ yếu tập trung vào một nhóm nạn nhân nhất định, điển hình là nạn nhân nữ bị buôn bán qua biên giới để bóc lột tình dục và kết hôn".
Báo cáo cũng khuyến nghị, cần ưu tiên tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận giáo dục và kỹ năng. Cùng với đó, bồi dưỡng năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật, cũng như tích cực giảm thiểu tổn thương mà nạn nhân gặp phải.
Minh Anh (Tổng hợp)