Các đốm trắng hoặc sọc trên lưỡi
Lưỡi của bạn thường có từ 2.000 đến 4.000 chồi vị giác. Bộ phận này cũng cực kỳ nhạy cảm và là một dấu hiệu thể hiện cho sức khỏe của mỗi người. Thông thường trên lưỡi không dễ xuất hiện các đốm trắng hoặc sọc trắng, chúng đều có lớp màng phủ lưỡi nông, phân bố đều, nếu lâu ngày xuất hiện các đốm trắng hoặc sọc trắng thì bạn nên chú ý hơn nhé. Bởi các mảng trắng trên lưỡi là triệu chứng của bệnh tưa miệng do nhiễm nấm, tác động của thuốc hoặc bệnh tật.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân bị bạch sản với các mảng trắng phẳng cứng, không thể cạo đi, có thể phát triển thành ung thư miệng theo thời gian. Vì vậy, bạn nên đi gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy triệu chứng này.
Đặc biệt lưu ý, những người thích hút thuốc lá hay uống nước nóng lúc bình thường rất dễ làm tổn thương niêm mạc lưỡi và niêm mạc miệng, sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư, nếu là một trong số những người này thì không nên bất cẩn và thực hiện sớm các kiểm tra.
Lưỡi bỏng rát
Những người thích ăn đồ cay và tê thường có cảm giác nóng rát lưỡi sau khi ăn đồ ăn, ngoài ra, ngay cả khi lưỡi bị đóng vảy thì cảm giác này cũng sẽ xảy ra. Nếu bạn cảm thấy nóng rát trên lưỡi mà không thể giải thích được, bạn không được bất cẩn, rất có thể cơ thể đang nhắc nhở bạn rằng cơn nhồi máu não sắp xảy ra.
Bác sĩ Sheng Lei, Trưởng khoa Bệnh não của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc số 2 Giang Tô, từng chia sẻ nếu những người trên 50 hoặc 60 tuổi bị đau lưỡi không rõ nguyên nhân hoặc tê và sưng lưỡi trong thời gian ngắn kèm theo khóe miệng bị lệch và liệt một bên cơ thể, cần chú ý, rất có thể là tín hiệu của nhồi máu não, cần được kiểm tra kịp thời.
Nếu không có các nguyên nhân như trên, khả năng người bệnh gặp phải tình trạng hiếm gọi là hội chứng bỏng rát lưỡi cần được bác sĩ đa khoa kiểm tra. Có nhiều yếu tố dẫn tới hội chứng trên như nhiễm nấm candida, hệ miễn dịch tấn công niêm mạc miệng, bệnh nội tiết, thiếu vitamin…
Ngứa lưỡi
Nếu bạn cảm thấy ngứa lưỡi và có các mảng trắng thì đây dễ là tình trạng nấm miệng cần được điều trị.
Người bị ngứa lưỡi có thể bị hội chứng dị ứng miệng. Bệnh nhân có phản ứng với một số loại thực phẩm nhất định nên khi ăn bị ngứa, đau, sưng đỏ môi, miệng, lưỡi, cổ họng trong vài phút.
Nứt lưỡi
Vết nứt ở lưỡi thường hình thành khi bạn già đi nhưng chúng cũng là dấu hiệu của hội chứng Sjogren (bệnh viêm tự miễn hệ thống mạn tính) hoặc bệnh vẩy nến. Chúng có thể vô hại nhưng nhớ vệ sinh sạch sẽ vùng miệng sau khi ăn để loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu trên lưỡi xuất hiện các cục, u kèm theo các mảng màu trắng và đau nhức, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Hãy đến gặp bác sỹ nha khoa sớm để kiểm tra sức khỏe.
Các vết loét không lành
Trên bề mặt lưỡi xuất hiện những vết loét gây khó khăn cho việc ăn uống và kéo dài mãi không khỏi, mặc dù đã được điều trị, hoặc những khối u màu đỏ hoặc màu trắng thì bạn phải cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Lưỡi đỏ tươi
Đây có thể là dấu hiệu của bệnh Kawasaki, một căn bệnh rất nghiêm trọng, hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em gây ra tình trạng tổn thương các mạch máu. Đây cũng có thể là triệu chứng của bệnh ban đỏ.
Nếu bạn thấy lưỡi nhẵn và có màu đỏ, kèm theo đau trong miệng, đó là dấu hiệu thiếu hụt vitamin B3.
Lưu ý:
Ngoài việc vệ sinh đúng cách, ăn uống lành mạnh, các chuyên gia khuyên chúng ta nên thường xuyên kiểm tra lưỡi và “tập thể dục” cho lưỡi. Rất đơn giản, hãy liên tục đưa lưỡi hết mức có thể 10 lần về phía trước, sau đó là 5 lần sang bên trái và 5 lần sang bên phải, mỗi lần giữ khoảng 2 giây ở trạng thái căng lưỡi.
Bài tập lưỡi này không chỉ tăng cường chức năng vị giác, giảm các bệnh răng miệng, tốt cho 1 số cơ quan nội tạng mà còn có lợi cho tiêu hóa. Thời điểm tốt nhất để tập là sáng sớm khi vừa thức dậy, mỗi ngày 1 lần.
Trúc Chi (Vietnamnet, Tiền Phong)