Sửa khái niệm “hộ gia đình tham gia BHYT”
Hiện nay, luật Bảo hiểm y tế đang quy định, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 38 luật Cư trú 2020 (có hiệu lực từ 1/7/2021) sửa đổi khoản 7 Điều 2 luật Bảo hiểm y tế (BHYT) như sau: "Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú".
Như vậy, theo quy định mới, những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình phải là những người: Cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì cùng Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú như trước đây.
Sở dĩ có sự điều chỉnh như trên là do luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 1/1/2023, chính thức bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay bằng việc quản lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
Cụ thể, tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do NSNN đóng.
So với quy định hiện nay tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Thứ nhất, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
So với hiện hành, bổ sung đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thứ hai, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Thứ tư, người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Lưu ý, nếu các đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT miễn phí mà thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ thì chỉ được cấp một thẻ BHYT có quyền lợi cao nhất.
Như vậy, kể từ ngày 1/7/2021 thời điểm Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ có thêm nhiều đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Chính sách BHYT với thân nhân của thương binh, bệnh binh
Pháp lệnh Ưu đãi người có công số 02/2020/UBTVQH14 cũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
Theo Pháp lệnh, không chỉ thương binh, bệnh binh cũng được hưởng chính sách ưu đãi về BHYT, mà thân nhân của họ cũng được hưởng chính sách này.
Cụ thể, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
Người phục vụ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất
Thông tư 04/2021/TT-BYT hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất được Bộ Y tế ban hành ngày 29/4/2021.
Theo đó, Thông tư 04 quy định về xác định quỹ định suất; Giao, tạm ứng, quyết toán quỹ định suất; Chỉ số giám sát thực hiện định suất.
Trong đó, quỹ định suất là số tiền được xác định trước, giao cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh có thẻ BHYT trong phạm vi định suất, trong khoảng thời gian nhất định.
Phạm vi định suất không bao gồm các chi phí khám bệnh, chữa bệnh của đối tượng, bệnh, nhóm bệnh sau đây:
Thứ nhất, chi phí của các đối tượng có mã thẻ quân nhân (QN), cơ yếu (CY), công an (CA).
Thứ hai, chi phí vận chuyển người bệnh có thẻ BHYT.
Thứ ba, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ hoặc dịch vụ kỹ thuật lọc màng bụng hoặc dịch lọc màng bụng.
Thứ tư, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc chống ung thư hoặc dịch vụ can thiệp điều trị bệnh ung thư đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh ung thư gồm các mã từ C00 đến C97 và các mã từ D00 đến D09 thuộc bộ mã Phân loại bệnh quốc tế lần thứ X (sau đây viết tắt là ICD-10).
Thứ năm, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc điều trị Hemophilia hoặc máu hoặc chế phẩm của máu đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh Hemophilia gồm các mã D66, D67, D68 thuộc bộ mã ICD-10.
Thứ sáu, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc chống thải ghép đối với người bệnh ghép tạng.
Thứ bảy, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc điều trị viêm gan C của người bệnh bị bệnh viêm gan.
Thứ tám, toàn bộ chi phí của lần khám bệnh, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc kháng HIV hoặc dịch vụ xét nghiệm tải lượng HIV của người bệnh có thẻ BHYT được chẩn đoán bệnh HIV.
Thông tư 04/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Phải công khai giá thu dịch vụ KCB BHYT
Cũng từ ngày 1/7/2021, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập sẽ được áp dụng theo Thông tư 05/2021/TT-BYT.
Theo đó, một trong những nội dung các bệnh viên công lập phải công khai đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh có thẻ BHYT đó là: Giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.
Có 3 hình thức công khai thông tin như sau:
Hình thức 1, niêm yết công khai, chạy thông tin trên băng thông tin điện tử:
Các văn bản, bản vẽ, sơ đồ chỉ dẫn, dấu chỉ đường đến các khu vực, khoa, phòng và đơn vị trực thuộc trong đơn vị; các bản nội quy, quy định, giá các loại dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giá các loại dịch vụ phục vụ người bệnh tại các địa điểm thuận lợi có nhiều người bệnh qua lại.
Việc niêm yết công khai phải thường xuyên, liên tục và kịp thời.
Hình thức 2, tổ chức thông tin, truyền thông, tư vấn về chế độ chính sách, những vấn đề có liên quan đến việc khám bệnh, chữa bệnh kể từ khi người bệnh mới đến phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, buồng bệnh.
Hình thức 3, thông báo trực tiếp với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh; tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh của khoa, phòng và đơn vị.
Chính sách BHYT với phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV
Đây là nội dung tại Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020.
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được Quỹ BHYT, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau:
Quỹ BHYT chi trả cho người có thẻ BHYT theo mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT.
Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí Quỹ BHYT không chi trả cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và chi trả cho người không có thẻ BHYT theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Hiện hành Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí.
Hoàng Mai