"6 chọi 1" và "1+1": Những nước cờ khác biệt giữa ông Trump và ông Putin

"6 chọi 1" và "1+1": Những nước cờ khác biệt giữa ông Trump và ông Putin

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 11/06/2018 20:00

Trong khi ở phương Tây, Tổng thống Trump rơi vào tình cảnh "6 chọi 1", thì ở phương Đông, Tổng thống Putin từng bước gây dựng quan hệ liên minh với "con rồng" châu Á - Trung Quốc.

'6 chọi 1' và '1+1': Những nước cờ khác biệt giữa ông Trump và ông Putin

Tình thế "6 chọi 1" mà Tổng thống Trump phải đối đầu ở G7 năm nay.

Hai hội nghị đối lập

Cuối tuần qua, công chúng có thể nhìn thấy một cuộc “đối đầu ngầm” giữa phương Đông và phương Tây thông qua hai hội nghị thượng đỉnh đối lập.

Trong khi hội nghị nhóm các nước kinh tế phát triển G7 tổ chức ở La Malbaie, Canada là một cuộc tranh cãi nảy lửa và chia rẽ của phương Tây, thì tại Thanh Đảo, Trung Quốc, một hội nghị liên kết Á-Âu của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã trở thành tâm điểm nổi bật hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục là ngôi sao đáng chú ý nhất trong chương trình ở Canada. Ông đến trễ, rời đi sớm, bỏ qua bữa sáng với các đàm phán viên, ông từ chối các thỏa thuận giữa các thành viên.

Ông ban hành một "tuyên bố thương mại tự do" sau khi áp đặt thuế thép và nhôm trên khắp châu Âu và Canada. Ông đề nghị Nga nên quay lại G8 và không ký vào tuyên bố chung của hội nghị.

Trong khi đó, ở Thanh Đảo, một sự hợp tác tuyệt vời khác được làm nổi bật bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Tổng thống Putin và tôi đều nghĩ rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc-Nga đã trưởng thành, vững chắc và ổn định".

Khác với sự chia rẽ mà Tổng thống Trump đang gây ra ở phương Tây, Tổng thống Putin lại củng cố vững chắc hơn nữa với đối tác châu Á mạnh mẽ, gây dựng một liên minh chưa từng có với Bắc Kinh.

Lần đầu tiên, ông Tập Cận Bình gọi quan hệ với Moscow là “mối quan hệ có ý nghĩa nhất, sâu sắc nhất và chiến lược quan trọng nhất giữa các nước lớn trên thế giới”.

Vẫn như thường lệ, thương mại vẫn là chương trình nghị sự hàng đầu của hai nước. Trung Quốc đã hợp tác với công ty năng lượng hạt nhân khổng lồ của Nga, Rosatom để có được các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đa dạng hóa các hợp đồng điện hạt nhân ngoài các nhà cung cấp phương Tây hiện tại.

Đây được coi là thành phần cốt lõi trong liên minh năng lượng “chiến lược” Nga-Trung.

Trong một cuộc họp ba bên giữa Nga-Trung Quốc và Mông Cổ, tất cả đều tuyên bố sẽ nhất trí với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga-một trong những tuyến đường trung chuyển chính của Con đường tơ lụa mới - còn được gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh đang tham vọng kiến tạo.

Mông Cổ một lần nữa tình nguyện trở thành một trung tâm quá cảnh cho đường khí đốt của Nga sang Trung Quốc, đa dạng hóa các đường ống hiện tại của Gazprom từ Blagoveshchensk, Vladivostok và Altai.

Theo Tổng thống Putin, đường ống Eastern Route vẫn đúng tiến độ, cũng như nhà máy khí đốt hóa lỏng (LNG) trị giá 27 tỷ USD ở Yamal do các công ty Nga và Trung Quốc tài trợ đang đi đúng hướng.

Ở Bắc Cực, Tổng thống Putin và ông Tập Cận Bình đã cùng hợp tác để phát triển tuyến đường biển Bắc, bao gồm hiện đại hoá các hạng mục quan trọng của các cảng nước sâu như Murmansk và Arkhangelsk, bên cạnh kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Lợi ích địa chính trị tại đây được cho là gắn liền với kinh tế.

Ông Putin kỳ vọng vào tuần trước rằng thương mại hàng năm giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ sớm đạt con số 100 tỷ USD. Hiện tại, con số này đang ở mức 86 tỷ USD. Giờ đây, mục tiêu mà các doanh nghiệp Nga đang muốn vươn tới là 200 tỷ USD vào năm 2020.

Sự hợp tác rốt ráo, khẩn trương ở quy mô khổng lồ giữa Moscow và Bắc Kinh được Tổng thống Putin mô tả công khai như sự kết nối giữa BRI và Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo (EAEU). Chưa kể rằng bản thân SCO cũng có kết nối với cả BRI và EAEU.

'6 chọi 1' và '1+1': Những nước cờ khác biệt giữa ông Trump và ông Putin (Hình 2).

Mối quan hệ  Nga-Trung ngày càng vững chắc.

Theo Yu Jianlong, người đứng đầu Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc, SCO hiện đã tập hợp thêm sức mạnh tập thể để khai thác BRI theo định hướng mở rộng để tăng cường hoạt động kinh doanh trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các công ty từ các quốc gia SCO đang được "khuyến khích" sử dụng tiền tệ của họ để giao dịch, bỏ qua đồng đô la Mỹ, cũng như xây dựng nền tảng thương mại điện tử, theo phong cách của tập đoàn Alibaba của Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã đầu tư 84 tỷ USD vào các thành viên SCO khác, chủ yếu là các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, giao thông (bao gồm cả tuyến đường cao tốc Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan), xây dựng và sản xuất.

Tổng thống Putin cũng đã gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề của SCO và thảo luận về thỏa thuận hạt nhân của Iran, được gọi là JCPOA.

Iran là một quốc gia quan sát của tổ chức SCO hiện tại. Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa khẳng định lại rằng ông muốn Tehran là một thành viên chính thức.

Đằng sau cánh cửa đóng kín, SCO cũng thảo luận về kế hoạch quan trọng mà Nhóm Liên lạc SCO-Afghanistan đưa ra, một quá trình hòa bình toàn châu Á với sự đóng góp của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran và Afghanistan – giải quyết các vấn đề bất đồng kéo dài hàng thập kỷ mà không có sự tham gia nào của phương Tây.

Mơ ước về một G3

Theo Asia Times, cuộc họp G7 tại La Malbaie đại diện cho trật tự cũ rối loạn, lỗi thời và bị đe dọa bởi sự nổi lên của các tổ chức hợp tác liên kết khác mà dẫn đầu bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ như BRI, EAEU, SCO và BRICS.

Trái ngược với học thuyết thống trị toàn diện của G7 về ưu tiên áp đảo bằng sức mạnh quân sự, hội nghị tại Thanh Đảo đại diện cho lối đi mới. Trong đó từ bỏ những giá trị gây dựng bởi trật tự cũ mang tính độc đoán như gieo rắc “dân chủ” và “xâm lược”.

Song song với đó, các nhà ngoại giao ở Brussels xác nhận với tờ Asia Times rằng, có những tin đồn về việc Tổng thống Trump đang mơ về một G3 bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Sau tất cả, nhà lãnh đạo Mỹ được cho là có một sự ngưỡng mộ đối với những phẩm chất lãnh đạo của cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi chán chường với sự quan liêu và yếu đuối của nhóm các nhà lãnh đạo M3 (Merkel, Macron, May) hiện tại.

Với tất cả những mâu thuẫn hiện tại, Tổng thống Trump dường như đã hiểu rằng G7 là một tập thể đã “chết” và trung tâm của thế giới giờ đây xoay quanh Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Vấn đề là chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ từ lâu, cũng như chiến lược của các nước châu Âu đều muốn hướng tới một cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 với Nga và Trung Quốc – một điều sẽ cản đường kế hoạch của ông Trump.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.