Đường có vị ngọt và là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, thức uống. Hầu hết chúng ta đều thích thưởng thức những món có hương vị ngọt ngào, "nịnh miệng". Vì vậy nhiều người tiêu thụ đồ ngọt không kiểm soát, dẫn đến dư thừa đường. Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo đã đến lúc bạn cần hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể.
Đầy hơi
Đầy hơi, đau bụng hay các triệu chứng khó chịu khác liên quan đến đường tiêu hóa có thể do các loại thức ăn khác nhau gây ra. Ăn quá nhiều đường cũng là một trong những nguyên nhân.
Trạng thái đầy hơi có liên quan trực tiếp đến những thực phẩm nạp vào cơ thể. Nếu đường được hấp thụ không tốt ở ruột non, chúng sẽ đi vào ruột già gây ra đầy hơi. Vì vậy hãy cố gắng tránh ăn đồ ngọt, đồ ăn nhanh nếu gặp tình trạng này.
Tăng cân
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc ăn quá nhiều đường là trọng lượng cơ thể tăng lên. Kẹo và các đồ ăn chứa đường thường là yếu tố gây tăng cân. Lượng đường cao làm tăng sản xuất insulin lưu trữ chất béo dư thừa trong bụng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng đường được khuyến cáo nên ở dưới 10% lượng năng lượng ăn hàng ngày. 10% này tương đương với 7 muỗng cà phê đường đã pha.
Thèm đường
Không phải ai cũng biết đường có thể gây nghiện. Nó giải phóng dopamin. Bạn có xu hướng cảm thấy hưng phấn hơn khi dopamin được giải phóng. Nhưng khi hưng phấn qua đi, bạn có thể muốn tiếp tục có cảm giác đó. Cơn thèm có thể khiến bạn ăn nhiều đường hơn. Nếu những cơn thèm xảy ra thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu bạn đang ăn quá nhiều đường. Tốt nhất bạn nên bắt đầu bằng việc cắt giảm tiêu thụ đường và đồ ngọt, sau đó chuyển sang một chế độ ăn uống cân bằng.
Nổi mụn liên tục
Các thực phẩm chứa nhiều đường làm cho mức insulin tăng lên và bắt đầu quá trình liên kết đường với các phân tử protein. Ngay sau khi glucose xâm nhập vào máu, nó sẽ khởi động một loạt các quá trình sinh lý phức tạp mà cuối cùng có thể gây viêm và các vấn đề về da. Việc tăng cường insulin có thể làm tăng hoạt động của các tuyến dầu trong da và kích hoạt quá trình viêm. Điều đó có nghĩa là ăn nhiều đường có liên quan đến nguy cơ mụn trứng cá tăng cao.
Do đó, nếu làn da bỗng nhiên trở nên xấu đi, hãy thử thay đổi thói quen ăn uống bằng cách cắt giảm thực phẩm chứa đường.
Thường xuyên bị cảm lạnh
Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ ngăn chặn hệ miễn dịch phản ứng lại với vi khuẩn gây bệnh. Vitamin C mà cơ thể cần để chống lại bệnh cúm có cấu trúc hóa học rất giống với glucose. Tuy nhiên glucose không có khả năng chống lại vi khuẩn cúm. Để tăng cường sức khỏe, hãy cắt giảm đồ ngọt, ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất dinh dưỡng, vitamin C và E, kẽm.
Đau cơ và khớp
Đây có thể là một trong nhiều tín hiệu mà cơ thể cảnh báo bạn về quá trình viêm nhiễm đang diễn ra bên trong. Một chuỗi các phản ứng sinh hóa khi ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến viêm khớp, đục thủy tinh thể, bệnh tim, trí nhớ kém hoặc da nhăn nheo.
Minh Hoa (t/h)