Đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: "Hiện, đơn vị đang thụ lý điều tra 6 dự án BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên quan tới 6 công ty. Việc điều tra này tiến hành theo sự ủy thác của Công an TP.HCM đối với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
6 dự án này liên quan đến các công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (địa chỉ 429 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP.HCM) do ông Nguyễn Công Cường làm Giám đốc; công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát (địa chỉ 246 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) do bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Giám đốc; công ty cổ phần Đầu tư Đại Phúc; công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh; công ty TNHH Lê Hương Sơn, công ty Long Đức Urban Land, công ty cổ phần Long Thuận Lộc.
Trước đó, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC45), Công an TP.HCM đã thụ lý vụ việc người dân khiếu nại 3 sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo, gồm: Công ty CP địa ốc Kim Phát; công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc và công ty CP đầu tư Việt Hưng Phát.
Cả 3 doanh nghiệp này đều có chiêu thức hoạt động giống nhau là dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi khách hàng đóng tiền cọc, góp vốn (chủ yếu xảy ra ở tỉnh Đồng Nai) thì mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đòi lại tiền thì các sàn này không trả lại.
Theo thông tin PV có được, ngoài tỉnh Đồng Nai thì Long An cũng là nơi mà các doanh nghiệp nói trên, đặc biệt là Việt Hưng Phát và Kim Phát làm “trùm” hoạt động. Kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần Đầu tư Đại Phúc; công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh; công ty TNHH Lê Hương Sơn, công ty Long Đức Urban Land, công ty cổ phần Long Thuận Lộc....
Để lách luật và đưa khách hàng vào tròng, các doanh nghiệp này ký kết hợp đồng dưới dạng: "Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, “Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng BĐS", “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất”…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “HoREA cũng đã nhận được đơn cầu cứu của 300 người dân tố cáo nhiều công ty môi giới địa ốc lừa đảo khách hàng. Theo đơn tố cáo, các công ty này đã đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, thậm chí còn vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm nhiều tiện ích không có trong dự án… để nâng giá bán. Các dự án này đều tập trung ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai”.
Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, hiện có khoảng 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động với cơ quan này. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với thực tế. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, tại TP.HCM đã có gần 1.100 đơn vị hoạt động kinh doanh BĐS (tăng trên 26% so với cùng kỳ) được thành lập mới. Do đó, tình trạng hoạt động bát nháo với nhiều chiêu trò lừa đảo là chuyện dễ hiểu. |