Bộ GTVT vừa có Công văn số 612/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
“Cử tri huyện Tân Phú phản ánh một số tuyến đường cao tốc được thiết kế về số làn xe chạy, tốc độ xe chạy chưa phù hợp với nhu cầu giao thông hiện tại, chất lượng công trình kém, công tác cứu hộ, cứu nạn giao thông chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT có giải pháp hữu hiệu và tầm nhìn chiến lược khi xây dựng các tuyến đường cao tốc, trong đó các tuyến trọng điểm phải có từ 03 làn xe trở lên và một làn dừng khẩn cấp mỗi bên, đồng thời đảm bảo các công trình phụ trợ phục vụ giao thông tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội”, nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh với quy mô 4-10 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn.
Trong thời gian qua, do nguồn lực còn hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư đường cao tốc là rất lớn, việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, khả năng cân đối vốn và sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bộ GTVT đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư (bề rộng mặt cắt ngang đường) đối với một số tuyến có nhu cầu vận tải trong thời gian đầu khai thác chưa cao.
Đối với các tuyến có nhu cầu vận tải cao đã được đầu tư ngay theo quy mô hoàn chỉnh như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2... Các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua đều đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết ùn tắc tại các đô thị lớn và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Bên cạnh các kết quả đạt được, đầu tư phân kỳ quy mô đường bộ cao tốc còn có một số tồn tại, hạn chế như: phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời; tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ còn hạn chế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan và đề xuất các giải pháp để sớm đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.
Thứ nhất, trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Thứ hai, xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc để ban hành trong quý I năm 2024.
Thứ ba, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 2 làn xe lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Thứ tư, rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng các tuyến còn lại khi đủ điều kiện về nguồn lực.
Thứ năm, đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên việc đầu tư theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh; trường hợp phân kỳ đầu tư, cần phải nghiên cứu, so sánh kỹ lưỡng các phương án đầu tư, kết hợp phương án tổ chức giao thông hợp lý bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác.
Thứ sáu, rà soát, nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ lên 90 km/h.
Đối với các công trình phục vụ khai thác (trạm dừng nghỉ, trạm xăng...), Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT ngày 07/3/2023 hướng dẫn việc chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ; đồng thời đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng số khoảng 37 trạm/2.063 km chiều dài toàn tuyến.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ, trước mắt sẽ ưu tiên 8 trạm dừng nghỉ để phục vụ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác.
Đề xuất cao tốc có 4 cấp tốc độ
Bộ GTVT đang lấy ý kiến về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Nội dung đáng chú ý trong dự thảo này, theo tốc độ thiết kế, đường cao tốc được phân làm các cấp, gồm: Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng.
Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư. Lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ vào điều kiện địa hình, quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xác lập, được cấp có thẩm quyền của nhà nước duyệt, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội.
Dự kiến nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc sẽ quy định giới hạn một số chỉ tiêu kỹ thuật mang tính chất bắt buộc để tuân thủ áp dụng (như một số quy định tối thiểu về mặt cắt ngang, bình độ, trắc dọc của tuyến đường… tương ứng với cấp đường, vận tốc thiết kế).
Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h, đồng thời phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp. Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe (nút giao, thay đổi địa hình, cảnh quan…).
Dự thảo cũng quy định, mặt đường mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán.
Đường cao tốc phải bố trí thiết kế mặt cắt ngang có dải phân cách giữa (gồm dải phân cách và các dải an toàn hai bên) để tách riêng hai chiều xe chạy trên đường cao tốc. Tùy thuộc điều kiện mặt bằng bố trí dải phân cách có lớp phủ hoặc không có lớp phủ; bề rộng tiêu chuẩn các yếu tố mặt cắt ngang đường cao tốc tùy thuộc tốc độ thiết kế; trên dải phân cách phải bố trí phòng hộ…
Các dải an toàn phải được bố trí để tạo điều kiện cho xe chạy với tốc độ cao. Ngoài ra, các dải an toàn phía lề còn để dừng xe khi thật cần thiết (còn gọi là dải dừng xe khẩn cấp). Dải an toàn được kẻ vạch sơn dẫn hướng. Cấu tạo dải an toàn phía lề (phần lề gia cố) đảm bảo yêu cầu chịu lực xe đỗ khẩn cấp (không thường xuyên).
Các hầm có chiều dài dưới 1.000 m thì không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp. Trường hợp hầm có chiều dài từ 1.000 m trở lên thì phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30 m cách nhau tối đa 500 m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.
Từ 15 km đến 25 km bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài nền đường, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tự bảo dưỡng xe.
Từ 50 km đến 60 km, cần bố trí một trạm dịch vụ kỹ thuật cung cấp xăng dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.
Từ 120 đến 200 km bố trí trạm dừng nghỉ lớn có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng dầu, sạc điện, nhà ăn, khách sạn, văn phòng du lịch, chỉ dẫn trung chuyển...
Trạm thu phí trên cao tốc phải thực hiện theo phương thức thu phí điện tử không dừng (ETC) ở tất cả các làn. Trường hợp tổ chức thu phí theo "hệ thống khép kín", trạm thu phí phải được bố trí tại các vị trí thu phí đảm bảo việc thu phí theo phương thức ETC được thuận lợi (thu phí tập trung bố trí tại các nút giao khác mức liên thông) và việc thu phí theo chiều dài hành trình thực của xe đi trên đường cao tốc.
Đầu vào bố trí hệ thống ETC đa làn tự do (không có barier), đầu ra bố trí hệ thống thu phí theo phương thức ETC đơn làn có barier hoặc đa làn tự do.
Tuệ Minh