Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, bệnh tay chân miệng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các cha mẹ cần lưu ý một số biểu hiện, triệu chứng có thể giúp sớm phân biệt được bệnh tay chân miệng với các bệnh lý khác. Bệnh tay chân miệng cũng có biểu hiện phát ban cơ thể giống nhiều bệnh khác như sốt phát ban, dị ứng, viêm da mủ, thủy đậu,…
“Bệnh tay chân miệng và bệnh sốt virus đều có biểu hiện sốt cao nên ở giai đoạn đầu khó phân biệt. Bệnh tay chân miệng thì sốt cao liên tục, 39-40 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, phát ban ngay từ khi sốt, ban xuất hiện ở lòng bàn tay, chân và khoang miệng.
Trong khi đó, sốt virus, đôi khi trẻ bị sốt cao 38,5 độ C, 39,5 độ C, sốt liên tục, dùng thuốc hạ sốt thì đỡ; sốt kéo dài 24-48 giờ, thậm chí là 72 giờ nhưng tỉnh táo, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột, sau sốt có thể nổi ban mỏng, rải rác”, BS. Dũng tư vấn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh chân tay miệng dễ nhầm với 6 bệnh sau:
1.Viêm loét miệng: Bệnh tay chân miệng dễ nhầm với các bệnh viêm loét miệng. Bệnh này thường có vết loét sâu, có dịch tiết và hay tái phát; còn với tay chân miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
2.Dị ứng: Bệnh dị ứng thường xuất hiện các ban hồng, ban đa dạng, còn tay chân miệng có phỏng nước, có thể xuất hiện ở khắp cơ thể hoặc một khu trú nào đó.
3.Thủy đậu: Bệnh tay chân miệng cũng dễ nhầm với bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu xuất hiện các phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.
4.Các bệnh nhiễm khuẩn huyết: Bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi. Có thể nhận biết được 2 bệnh này nếu chú ý: Trẻ có nốt ở bụng, tay, chân… thì không phải tay chân miệng.
5.Sốt xuất huyết: Cần lưu ý phân biệt tay chân miệng với sốt xuất huyết Dengue qua triệu chứng. Sốt xuất huyết thường xuất hiện các chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc…
6.Sốt phát ban: Triệu chứng của bệnh này là các ban thường xen kẽ ít dạng sẩn, có hạch sau tai, còn ban của bệnh tay chân miệng xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
BS. Dũng khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Với bệnh này, cần chú trọng bàn tay là đường lây truyền bệnh lớn nhất của trẻ nhỏ. Hơn 99% bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do trẻ có hệ miễn dịch non kém.
Về cơ bản đây là bệnh lành tính, diễn biến trong vòng 7-10 ngày các triệu chứng sẽ hết. “Nếu ở thể nặng thì bệnh có thể kéo dài rất lâu và gây ra một số biến chứng như: Viêm não, suy tim, phù phổi cấp… Với những trường hợp này, trẻ phải kịp thời nhập viện điều trị theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa”, BS. Dũng nhấn mạnh.
N.Giang