Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi, đại học Y Hà Nội, về mùa hè 50-80% trẻ đến bệnh viện khám vì viêm tai - mũi - họng. Song mẹ đừng quá lo lắng, để trẻ bớt ốm có thể áp dụng các biện pháp sau:
Không lạm dụng kháng sinh
Về mùa hè, trẻ rất hay bị ốm sốt, viêm họng. Sau mỗi đợt ốm, sức đề kháng của trẻ sẽ tăng lên đáng kể nếu không lạm dụng kháng sinh. Đây là cơ hội quý giá để rèn luyện hệ miễn dịch, giúp bé càng lớn càng ít ốm hoặc tái bệnh nhẹ hơn.
Kháng sinh ức chế vi khuẩn, nhưng không có tác dụng với virus. Mẹ có thể phân biệt trẻ mắc bệnh hô hấp do vi khuẩn hay virus để có phương án chăm sóc hợp lý. 80% bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus và sẽ tự khỏi sau 5-10 ngày. Biểu hiện thường gặp là viêm đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, sốt, đau mỏi người, nhức mắt... Nếu do vi khuẩn, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém, ho khạc đờm đục, xanh hoặc vàng.
Chăm sóc tích cực khi trẻ ốm
Cha mẹ nên chăm sóc tích cực, hạ sốt bằng chườm mát, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, vệ sinh mũi - họng, tăng cường uống nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng… Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ kiểm tra trẻ nhiễm virus hay vi khuẩn, sau đó chỉ định thuốc phù hợp.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất cần thiết, sữa mẹ còn chứa hàng tỷ kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Sữa non màu vàng tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh dồi dào kháng thể nhất. WHO khuyến cáo, mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, duy trì đến khi 2 tuổi.
Tiêm vắc-xin đầy đủ
Tiêm chủng là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể tập dượt cách chống lại các bệnh nguy hiểm. Hiện có hơn 20 loại vắc-xin phòng lao, sởi, quai bị, thủy đậu, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, viêm phổi, tiêu chảy, cúm mùa… mà mẹ nên cho trẻ tiêm đầy đủ.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Mùa hè, cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, tắm táp hàng ngày để hạn chế mầm bệnh truyền nhiễm. Tốt nhất nên rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh, chơi với động vật… Khi đi chơi về, nên nhỏ nước muối sinh lý cho mắt, mũi.
Bổ sung chất tăng miễn dịch
Các chất tăng đề kháng cho trẻ gồm có vitamin C, chất chống oxy hóa, cao cúc tím, Thymomodulin, nhóm Beta-glucan... Chúng kích hoạt hệ thống miễn dịch của trẻ, chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn. Nhờ vậy trẻ ít ốm, hoặc nhanh hồi phục sức khỏe hơn khi bệnh. Mẹ có thể bổ sung các chất này qua đường ăn uống hoặc chế phẩm sinh học.
Theo VnExpress