Tiện tay hái nấm "lạ" về ăn
Ngày 19/7, đại diện Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) cho biết, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc vừa tiếp nhận và điều trị 6 trường hợp có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nấm lạ có độc gây ra.
Chia sẻ với Giao Thông, bác sĩ Nguyễn Xuân Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, các bệnh nhân gồm: Điểu KRắk (SN 1957), bà Thị Pút (SN 1970), Điểu Ben (SN 1998), Điểu Kha (SN 1994 cùng trú xã Quảng Tín, Đắk R’lấp), Điểu Hoe (SN 1998, trú xã Đắk R’Tih, Tuy Đức) và Điểu Luật (SN 2020, trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, con của Điểu Kha).
Khi vào viện các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi… Sau khi tiếp nhận, trung tâm đã kịp thời cấp cứu và chữa trị, hiện không có trường hợp nào bị nặng và chuyển tuyến trên. Đồng thời, trung tâm đã tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc.
Sau khi khai thác bệnh sử bệnh, được biết sáng 18/7, các bệnh nhân có ăn canh nấm do bà Thị Pút nấu. Đến khoảng 8h30 cùng ngày, cả 6 người đều có triệu chứng tương tự như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi.
Sau đó, cả 6 người được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cấp cứu. Theo người nhà bệnh nhân, chiều 17/7, gia đình có hái nấm tại rẫy cách xa nhà 3km về để ăn.
Cách phòng ngộ độc nấm
Theo Tuổi Trẻ các loại nấm độc phần lớn được xác định theo kinh nghiệm, mặc dù có một số sách hướng dẫn hoặc đơn giản xác định bằng cách cho súc vật ăn. Tuy nhiên, thực tế thì trong phần lớn các trường hợp, việc xác định nấm và độc tố là rất khó. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.
- Không ăn nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ được sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm đó không chứa chất độc hại.
- Khi không phải tự tay hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm độc thì tuyệt đối không được ăn.
- Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử, vì có loại nấm xuất hiện ngộ độc rất muộn 20-24giờ vì khi thử vừa không biết được loại nấm độc hay không nên rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm độc.
- Không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm). Không ăn nấm quá già.
- Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa và theo dõi.
- Lưu ý nấm tươi mới hái nên sơ chế và sử dụng ngay, vừa đảm bảo an toàn vừa giúp các chất dinh dưỡng trong nấm không bị mất đi. Nếu để nấm lâu ngày, không bảo quản cẩn thận, nấm bị ôi và nát cũng có thể chuyển thành nấm độc.
Trúc Chi (t/h)