Cụ thể, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 30/6, cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
6 người tử vong do sốt xuất huyết ở các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh.
So với cùng kỳ năm 2018 số mắc sốt xuất huyết tăng 3,1 lần (năm 2018 số mắc cùng kỳ là 28.039, tử vong là 8 trường hợp).
Trước tình hình trên, Cục Trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh (bộ Y tế) vừa có công văn khẩn yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế; Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số nội dung:
Rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết cho phù hợp với tình hình dịch tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại sốt xuất huyết.
Tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải các tuyến, cố gắng sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định tư vấn, giải thích để chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.
Tăng cường việc theo dõi người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton)…
Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh.