Từ lâu mật ong đã được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực và y học. Mật ong cung cấp hơn 60 loại glucose, vô cơ và hữu cơ, fructose, các enzyme giá trị, protein và 18 loại axit amin. Đặc biệt mật ong chứa các axit hữu cơ và hợp chất phenolic như flavonoid. Sự kết hợp của các hợp chất này mang lại cho mật ong khả năng chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa có liên quan đến việc giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và một số loại ung thư. Tuy nhiên, mật ong là “đại kỵ” với một số người, ăn vào có thể gây tổn hại sức khỏe.
Bệnh nhân tiểu đường
Về cơ bản bệnh tiểu đường (đái tháo đường) thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate , protein, mỡ khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao gây phá hủy mạch máu nuôi dưỡng cơ quan trong cơ thể như: tim mạch, thận, mắt, dây thần kinh dẫn tới biến chứng nặng nề như suy thận, mù lòa, hoại tử chi,… Chính vì vậy, đối với người bị tiểu đường việc kiểm soát lượng đường dung nạp vào cơ thể là rất quan trọng.
Trong khi đó mật ong có thành phần carbohydrate chiếm đến 82%, gồm 2 thành phần chính là Fructose (chiếm 38,2 %) và Glucose (chiếm 31%). Ngoài ra còn có các thành phần khác như mantozo, saccarozo và các hỗn hợp carbohydrate. Glucose và Fructose là đường đơn, có thể được hấp thu trực tiếp vào máu. Do đó, bệnh nhân tiểu đường kiêng mật ong là điều tất yếu để bảo vệ sức khỏe.
Trẻ dưới 1 tuổi
Không nên sử dụng mật ong đối với trẻ dưới 1 tuổi vì mật ong có nguy cơ nhiễm bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Trường hợp này ít xảy ra nhưng nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong cho trẻ.
Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 1 tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, khi vào cơ thể trẻ, bào tử có thể giải phóng vi khuẩn và sản sinh độc tố.
Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc botulism là táo bón, có thể kéo dài 3-30 ngày sau khi ăn mật ong chứa bào tử. Vài ngày tiếp theo, trẻ sẽ bị mệt mỏi, chán ăn, khóc yếu. Sau đó, trẻ có thể thèm ăn trở lại, đó là lúc bệnh đã qua đỉnh điểm và bắt đầu thoái lui. Nếu bệnh tiếp tục diễn tiến , trẻ sẽ ngày càng ít vận động và có thể bắt đầu chảy nước dãi, phản xạ bú giảm. Một dấu hiệu quan trọng nữa là trẻ bỗng nhiên trở nên mềm oặt, không giữ được đầu như trước. Một số trường hợp còn bị khó thở vì liệt cơ hoành. Ngừng thở hoàn toàn có thể xuất hiện ngay hoặc từ từ.
Những bệnh nhi kể trên cần được chăm sóc đặc biệt về hô hấp và dinh dưỡng. Nếu điều trị kịp thời, đa số trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn.
Người bị rối loạn chức năng đường ruột
Mật ong có thể làm cho đường ruột co thắt mạnh, gây ra các triệu chứng như đi ngoài, táo bón... Ngoài ra mật ong chứa nhiều fructoza, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng của ruột non. Chúng còn gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với hệ thống dạ dày – ruột khiến bạn bị đầy hơi, đau bụng, khó tiêu, đôi khi còn dẫn tới tiêu chảy hay đau bao tử.
Người bị bệnh huyết áp thấp
Trong mật ong chứa một chất giống như là Acetylcholine, gây giảm huyết áp. Do vậy, mật ong được khuyến cáo không an toàn với những bệnh nhân huyết áp thấp nếu dùng quá nhiều. Trong trường hợp này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng mật ong.
Người vừa mới phẫu thuật
Người mới phẫu thuật mất sức và mất máu, cơ thể rất yếu. Nếu hấp thụ quá nhiều chất bổ, dễ làm cho gan chướng, nghẽn khí, gây chảy máu ngũ quan. Mật ong tính nóng, rất bổ dưỡng, do đó không nên sử dụng cho người mới phẫu thuật để tránh ảnh hưởng tới quá trình làm lành vết thương.
Người dễ bị dị ứng
Những người bị dị ứng phấn hoa và các dị ứng khác liên quan đến hoạt động của ong không nên ăn mật ong vì có thể gây độc cho người bị dị ứng.
Minh Hoa (t/h)