Cục Thống kê Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Tp. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội TP. Hà Nội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo.
Nửa đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng so cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%).
Theo báo Hà Nội mới, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với mức tăng 5,86% của cùng kỳ năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại. Do đó, kết quả trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,55% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,91%; quý II tăng 7,15%), đóng góp 4,41 điểm % vào mức tăng GRDP.
Trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 18,86%, đóng góp 0,7 điểm % vào mức tăng chung; bán buôn, bán lẻ tăng 8,91%, đóng góp 0,91 điểm %; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,78%, đóng góp 0,13 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,31%, đóng góp 0,6 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,29%, đóng góp 0,4 điểm %; giáo dục và đào tạo tăng 6,23%, đóng góp 0,24 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 5,2%, đóng góp 0,44 điểm %; thông tin, truyền thông tăng 4,77%, đóng góp 0,72 điểm %. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I tăng 4,19%; quý II tăng 1,90%), đóng góp 0,07 điểm % vào mức tăng GRDP.
Theo báo Đầu tư, những tháng đầu năm, trên địa bàn Tp. Hà Nội không xuất hiện dịch bệnh lớn, hoạt động tái đàn được quan tâm, đàn lợn hiện có tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 1,4%; đàn trâu tăng 2,1%. Bên cạnh đó, TP tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gieo cấy lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ.
Trong khi đó, bước sang quý II/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 13,1%.
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 tăng 4,2%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác, nước thải tăng 10,7%; khai khoáng tăng 2,3%. Đây là chuyển biến mang tính tích cực, thể hiện sự phục hồi của hoạt động công nghiệp Thủ đô.
Đáng lưu ý, 77,4% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II ở mức ổn định và tốt hơn so với quý I; 82,2% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III/2024.
Cũng trong 6 tháng qua, thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó vốn đăng ký cấp mới 120 dự án đạt 1,036 tỷ USD; tăng vốn đầu tư 78 dự án 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 74 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội có 15,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 149,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3%.
Bên cạnh đó, hơn 6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17%. Cơ quan chức năng cũng thực hiện thủ tục giải thể cho gần 2,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 14%. Ngoài ra, gần 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 26%.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch xuất khẩu 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%.
Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm gồm: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,256 tỷ USD, tăng 13,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,069 tỷ USD, tăng 29,5%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 1,050 tỷ USD, tăng 7%; hàng nông sản đạt 836 triệu USD, tăng 58,5%...
Minh Hoa (t/h)