Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là cục Cảnh sát Kinh tế) vừa tổ chức hội nghị triển khai quyết định của bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cục Cảnh sát Kinh tế; sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác những tháng cuối năm 2018 của lực lượng Cảnh sát Kinh tế toàn quốc.
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 9.440 vụ vi phạm, tội phạm kinh tế; thụ lý điều tra 2.064 vụ án với 2.875 bị can (tăng 29% số vụ và 21% số bị can so với cùng kỳ năm 2017); khởi tố mới 1.126 vụ án với 1.483 bị can (tăng 45% số vụ và 43% số bị can).
Tổng thu hồi, tạm giữ, kê biên tài sản là 3.791 tỷ đồng. Trong đó, án tham nhũng là 2.233 tỷ đồng, án kinh tế là 1.558 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, cục Cảnh sát kinh tế đã khởi tố nhiều vụ án lớn tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như vụ Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo cán bộ gửi tiền vào ngân hàng Đại Dương, trục lợi 105,5 tỷ đồng tiền chi ngoài hợp đồng tiền gửi.
Cục Cảnh sát Kinh tế cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình điều tra hợp lý, khoa học để làm rõ nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra đã lâu, rất phức tạp với số lượng lớn bị can, với nhiều hành vi phạm tội, nhiều đối tượng có liên quan, hàng trăm bị hại cần ghi lời khai ở nhiều tỉnh, thành phố.
Cục đã chủ động và phối hợp tốt với cơ quan tư pháp, nội chính và cơ quan giám định... đảm bảo tiến độ điều tra các vụ án, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cơ bản các vụ án, vụ việc được xử lý theo đúng kế hoạch, tiến độ, chất lượng, có những việc vượt yêu cầu, tạo khí thế lan tỏa, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo.