6 tháng, hơn 26 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động

6 tháng, hơn 26 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 thì số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2012 là 26.324, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp phá sản chủ yếu do lãi suất quá cao

Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới 6 tháng đầu năm 2012 giảm 12,5% và số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 5,4% trong đó số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng 35,4% đã phản ánh về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp và được minh họa qua kết quả điều tra mẫu 9.331 doanh nghiệp về thực trạng và khó khăn do Tổng cục Thống kê tiến hành từ thời điểm 1/1/2012 đến 1/4/2012:

Trong số 9.331 doanh nghiệp được chọn làm mẫu điều tra có 784 doanh nghiệp phá sản. Kết quả điều tra còn cho thấy yếu tố gây cản trở lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lãi suất vay vốn quá cao.

Trong kết quả điều tra mẫu cho thấy, trong ba loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất (9,1%), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (2,7%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (2,4%).

Kết quả điều tra còn cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất với 13,6% tổng số doanh nghiệp điều tra; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên 9,9%; Đông Nam Bộ 8,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 8,2%; Trung du và miền núi phía Bắc 7,2% và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng 6%.

Bất động sản - 6 tháng, hơn 26 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt độngẢnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phản ánh nguyên nhân là kinh doanh thua lỗ; 28,2% thiếu vốn; 14,7% không tiêu thụ được hàng; 11,7% khó khăn về địa điểm và 4,6% đóng cửa, chuyển ngành, sáp nhập.

Ngoài ra, 6 yếu tố cản trở nhất đến sản xuất của doanh nghiệp lần lượt là lãi suất quá cao (27,2%), lạm phát cao và thất thường (19,5%), khả năng tiếp cận vốn khó (17,4%), chi phí vận tải cao (9,7%), điện cung cấp không ổn định (7%) và chính sách điều tiết kinh tế không ổn định (7%).

Hiện, trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát, 31,7% dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, 13% giảm quy mô lao động, 10% cắt giảm vốn và có tới 25,5% lường trước giảm doanh thu, 27,9% giảm lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 541.103 doanh nghiệp. Trong đó, số đơn vị đang hoạt động chiếm 375.732, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất và chờ giải thể lần lượt là 23.689 và 31.425.

Lãi suất vay vốn vẫn chưa đạt ngưỡng kỳ vọng của doanh nghiệp

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2012 biến động theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước và ba tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần.

Đây là tháng đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Trong 9 năm qua, đây là lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng tháng sau giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Doanh nghiệp vẫn đang ở trong tình trạng đói vốn, khó tiếp cận nguồn vốn.

Bất động sản - 6 tháng, hơn 26 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động (Hình 2).Hình minh họa. Nguồn: internet.

Ngày 29/6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Quyết định số 1289/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.

Theo quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 11%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012 và thay thế Quyết định số 1196/QĐ-NHNN ngày 8/6/2012 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.

Như vậy, các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm thêm 1%/năm, là lần cắt giảm thứ năm liên tiếp kể từ đầu năm. Theo cơ quan này, quyết định được đưa ra trên cơ sở xu hướng giảm của lạm phát và điều kiện cung - cầu vốn thị trường.

Lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng kỳ vọng của doanh nghiệp và doanh nghiệp vẫn ở trong vòng khó khăn chưa thoát ra được. Theo điều tra của Tổng cục thống kê thì các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện các yếu tố chủ yếu sau:

Ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến tình hình kinh tế vĩ mô và mong muốn kinh tế vĩ mô sớm ổn đình, ổn định giá điện. Đồng thời, cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thuế suất và công tác quản lý thuế,...

N.Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.