Những ký ức không thể nào quên
Chương trình giao lưu nghệ thuật mang chủ đề "60 năm đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh: Huyền thoại một con đường" được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), 60 năm ngày mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Chương trình do Báo Đời sống và Pháp luật phối hợp Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức.
Tham dự chương trình về phía Hội Trường Sơn Việt Nam có: Thiếu tướng Võ Sở, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Trường Sơn Việt Nam; Thiếu tướng, AHLLVTND Nguyễn Bá Tòng, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Thiếu tướng, AHLLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam; Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.
Về phía Ban tổ chức chương trình có: Ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật - Báo điện tử Người Đưa Tin; Ông Lê Tuấn Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật - Báo điện tử Người Đưa Tin. Chương trình còn có sự tham dự của những cựu chiến binh Trường Sơn.
Ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật, đại diện Ban tổ chức chương trình bày tỏ: “Quyết định mở đường Trường Sơn ngày 19/5/1959 là một quyết định mang tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định mang tính chiến lược của Đảng ta, đã tạo nên một thời kỳ sôi nổi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ trong suốt 16 năm mở đường Trường Sơn nhưng chưa một ngày tuyến đường này ngủ quên trong nhiệm vụ chính trị của mình.
Ban tổ chức chương trình "60 năm đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh: Huyền thoại một con đường" mong muốn tất cả chúng ta luôn nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc giữ trọn vẹn hai chữ Độc lập và Tự do. Chương trình này cũng nhớ tới vị Tư lệnh của Trường Sơn, vị tướng gắn bó với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại bằng mọi tâm huyết, quyết tâm của mình - Tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng ta dành sự tưởng nhớ tới ông, khi ông vừa rời xa chúng ta về với đất mẹ.
Chương trình như một lời tri ân hướng tới những thế hệ cha anh đã ăn núi, ngủ rừng, vượt qua bao bom đạn trên tuyến đường huyết mạch, đã dùng máu của mình viết nên trang sử hào hùng về con đường huyền thoại mang tên Trường Sơn và sau này được đổi thành đường Hồ Chí Minh.
Thay mặt Ban tổ chức chương trình, chúng tôi xin chân thành cảm ơn những nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh, cả cộng đồng đều hướng về Trường Sơn với một sự khâm phục và luôn mong muốn lưu giữ con đường huyền thoại trong ký ức, trong hiện tại và cả tương lai”.
Nói đến những cống hiến và công lao của các tầng lớp nhân dân, quân đội tham gia mở đường không thể thiếu 2 thành phần là thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, đây chính là những người mà sự hy sinh của họ gắn liền với những huyền thoại mở đường. Trong chương trình giao lưu, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, AHLLVTND, nguyên Phó Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12, hiện nay là Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; Thiếu tướng, AHLLVTND Hoàng Kiền; Nhà giáo nhân dân, Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi đã cùng nhìn lại một thời gian khó đầy ký ức trên tuyến đường huyền thoại.
Là người trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, có những thời điểm hai miền Nam Bắc bị chia cắt, mọi chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến hầu như không có bất cứ cách thức nào, gạo nơi tiền tuyến hết, vũ khí, đạn dược đều trông chờ từ hậu phương. Đứng trước tình hình đó quyết định mở đường Trường Sơn là quyết định chiến lược. Chia sẻ về những ký ức trực tiếp tham gia mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng bồi hồi: “Giữa lúc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban chấp hành Trung ương đã quyết định mở đường Trường Sơn, con đường chiến lược vận chuyển sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Về phía bộ đội Trường Sơn, chúng tôi đã thực hiện sáng tạo đầy đủ và hiệu quả quyết sách của Đảng và Nhà nước. Từ một con đường nhỏ, ngắn chỉ trong một thời gian rất ngắn chúng tôi đã mở được những con đường dài, lớn, sau này trở thành mạng đường xuyên suốt từ Bắc vào Nam; tạo nên một sức mạnh vận chuyển con người, vũ khí và các nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam, tạo nên sức mạnh áp đảo chiến thắng kẻ thù “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời Bác đã căn dặn. Đường Trường Sơn thực sự trở thành động mạch chủ của cuộc kháng chiến, tạo nên sức mạnh để chúng ta áp đảo quân thù”.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng chia sẻ: "Trong suốt 16 năm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, chúng tôi đã chiến đấu một cách anh dũng, đặc biệt cán bộ chiến sĩ đã nhiều người ngã xuống chiến trường. Trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện nay mới chỉ có hơn 10.000 liệt sĩ, còn lại chúng tôi vẫn chưa biết đồng đội của mình nằm lại ở nơi nào. Đây là một điều chúng tôi đau đáu, thấy mình cần phải có trách nhiệm giúp cho những người thân của các đồng đội đã hy sinh bớt đi nỗi đau".
Là người trực tiếp tham gia kháng chiến, Thiếu tướng Hoàng Kiền không thể quên những ký ức trên tuyến đường Trường Sơn. “Giữa năm 1970 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt tôi nhập ngũ, chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn một năm rưỡi, vào cuối mùa mưa nên vô cùng gian nan vất vả.
Tôi vào đường 9 Nam Lào, được bổ sung vào binh trạm 52 bộ đội Trường Sơn, là một binh trạm bảo đảm khu vực Bắc – Nam đường 9, đây là con đường cắt ngang 2 nước Việt – Lào. Tất cả các con đường vào chiến trường đều phải qua đường 9, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá vô cùng ác liệt… không lúc nào ngớt tiếng bom đạn rơi.
Chúng tôi là bộ đội công binh, phải bám các trọng điểm giao thông, khắc phục bom mìn… nên công binh có khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”… Khắc phục những khó khăn đó, chúng ta đã mở con đường ra mặt trận, đã làm nên con đường thống nhất Bắc Nam”.
Nói về vai trò của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên con đường Trường Sơn huyền thoại, Thiếu tướng Hoàng Kiền vẫn nhớ như in: “Năm 1971, tôi được gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông là người chỉ huy có bản lĩnh, trí tuệ hết sức sáng tạo, luôn luôn bám sát các trọng điểm, chỗ nào khó khăn nhất thì đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đều đến để chỉ đạo, tìm hiểu. Không có chỗ nào khó khăn mà đồng chí khuất phục, để đảm bảo các biện pháp thông tuyến đường Trường Sơn, vận chuyển sức người sức của cho chiến trường miền Nam, chúng tôi vô cùng khâm phục trước bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của vị tư lệnh”.
Là người đã lái xe trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa, Đại tá Nguyễn Văn Mỗi cho biết thêm, lái xe trong thời chiến vô cùng khó khăn, vất vả, lực lượng lái xe cơ giới là lực lượng chủ công, vì vậy địch tìm mọi cách tiêu diệt. “Trên tuyến đường Trường Sơn, địch dùng mọi loại cơ khí để ngăn chặn. Số lượng bom Mỹ đánh xuống Trường Sơn nhiều vô kể, nói như vậy các chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã được tôi luyện hết sức khốc liệt trong chiến tranh…”, Đại tá Nguyễn Văn Mỗi nói.
Cảm hứng sáng tác bất tận về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại
Cũng trong chương trình giao lưu, là nhà báo chiến trường, gắn bó với những năm tháng ác liệt nhà báo Phùng Huy Thịnh bồi hồi nhớ lại: “Ở đoạn đầu tiên vào Trường Sơn, đoạn đường Hà Tĩnh, chúng tôi đã bị một trận B52 khủng khiếp. Năm 1959 khi chúng ta bắt đầu mở đường Trường Sơn. 12 năm sau tôi mới được đặt chân đến đường Trường Sơn, từ thời điểm năm 1959 đến năm 1972, chúng tôi biết đến đường Trường Sơn thông qua đài tiếng nói Việt Nam, các ca khúc đã xây dựng trong những lứa thanh niên chúng tôi hình dung về tuyến đường Trường Sơn.
Thời điểm ấy, chúng tôi rất kính trọng những báo Thông Tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân…đã kịp thời truyền tải những thông tin đến nhân dân. Với tư cách là một người làm báo sau này, chúng tôi rất xúc động và kính trọng các chiến sĩ thông tin thời ấy đã cung cấp thông tin kịp thời, đóng góp vào chiến trận văn học nghệ thuật.
Mỗi lần chúng tôi có dịp vào Quảng Trị tôi đều trào dâng những cảm xúc không thể nào quên. Lớp trẻ cần hiểu thêm về Trường Sơn, về huyền thoại một thời.
Các lực lượng truyền thông trong quá khứ đã làm rất tốt vị trí và vai trò của báo chí khi đã đưa thông tin kịp thời. Tôi mong rằng, báo chí truyền thông hiện nay cũng cần phải có tăng cường sức lan tỏa, đặc biệt là đến các thế hệ trẻ hiện giờ”.
Tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong quá khứ và hiện tại cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao tác phẩm thơ ca văn chương và âm nhạc, chia sẻ về điều này nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không giấu nổi cảm xúc của mình: “Tôi nhập ngũ năm 1971, nhận lệnh vô cùng cấp tốc chúng tôi có mặt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Và trên tuyến đường ấy, cũng tạo nên cảm hứng và xuất hiện những chiến sĩ thơ ca, con chim đầu thơ ca là nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài thơ về tiểu đội xe không kính.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Bài thơ như nói hết lên được những khó khăn của những người lính lái xe, của những chiếc xe đúng nghĩa không kính trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt, để rồi những tác phẩm khác về con đường Trường Sơn cũng tiếp tục được ra đời”.
Có thể nói, Trường Sơn luôn là một dải huyền thoại, lưu giữ ký ức của một thời, là tuyến đường góp phần vô cùng quan trọng đưa đất nước tới độc lập, tự do, non sông liền một dải như nguyện ước của Bác Hồ lúc sinh thời. Để ngày hôm nay đây, chúng ta có dịp ôn lại những ký ức hào hùng ấy, dù thời chiến hay thời bình, đường Trường Sơn luôn hiên ngang, vững bền mãi mãi như ý chí của cả dân tộc Việt Nam.
Chương trình có sự đồng hành của: Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh - Binh đoàn 12; Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 703.
Hoàng Bích – Thu Huyền
Ảnh: Hữu Thắng
Clip: Ban Truyền hình Người Đưa Tin