Xem video: Mong muốn của vị Đại tá từng tham gia mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh
Những chiến sĩ Trường Sơn đã góp công sức chiến đấu, lao động với bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải đánh đổi cả xương máu của mình, để làm nên những huyền thoại trên con đường lịch sử mang tên Bác, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin tìm về tư gia của Đại tá Đậu Xuân Tường (SN 1948, quê Hà Tĩnh, đang sinh sống tại Thanh Xuân, Hà Nội). Khi gợi nhắc về những ký ức mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vị Đại tá này bồi hồi, ông cứ ngỡ rằng mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.
Theo lời của ông Tường, năm 20 tuổi, sau khi học xong nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông viết đơn xin nhập ngũ và được nhận vào Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh), chàng trai trẻ di chuyển vào khu vực Trường Sơn làm nhiệm vụ.
“Tôi nhớ, thời điểm đó, tôi vượt đường 050 vào Trường Sơn, sáng leo dốc vượt đèo núi đến tối lại hạ ba lô xuống đi mãi cuối cùng cũng đến được đất Lào. Tháng 4/1970 Quân uỷ Trung ương ra quyết định chính thức thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470 (tại nước bạn Lào), có chức năng như một Bộ Tư lệnh Sư đoàn làm nhiệm vụ vận tải, chi viện chiến lược.
Khi đó, xác định nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh 470 là chiến đấu bảo vệ khu căn cứ chiến lược ở vùng biên giới giữa 3 nước; đồng thời là cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh 559, trực tiếp vận chuyển phục vụ các chiến trường Hạ Lào, đông bắc Campuchia, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài ra, còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tự túc một phần lương thực, thực phẩm, tổ chức các đoàn thu mua hàng từ trong lòng địch (ở Pnôm Pênh, Hạ Lào, vận chuyển nhu yếu phẩm cung cấp cho các mặt trận), ông Tường cho biết.
Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ ông Tường cho hay, đơn vị ông từng làm nhiều nhiệm vụ như: Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, chuyên gia giúp bạn Lào, Campuchia (có cả liên lạc với tổ chức của ta ở Thái Lan).
“Ngoài đơn vị công binh làm đường thì chúng tôi cũng có các kho. Kho rất quan trọng vì ở đó có vũ khí, lương thực thực phẩm. Khi ở đường 20, đường 128 (nhận hàng từ đường 20 chuyển vào), địch đánh rất ác liệt, nhưng tôi ấn tượng mãi câu nói của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: “Quân đang bị đói, 10 xe đi mà một xe tới đích là thắng lợi rồi”. Bởi, đường khi ấy là những con đường mở vội, mở gấp không thành đường, phải dùng cây long đanh (cây gỗ) lát để cho xe đi qua. Khó khăn là vậy, nhưng những người lính chưa bao giờ chùn bước, tất cả đều được quán triệt vinh dự “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Tường nhớ lại.
Trong suốt quá trình tham gia trên cung đường Trường Sơn huyền thoại ấy, ông Tường cho biết quả thật ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.
Người lính già nói: “Khi xe vận chuyển hàng về là chúng tôi vào kho bốc vác hàng, còn địch thì cứ tìm chỗ nào là kho mà đánh để nhằm tiêu diệt ý chí của quân dân ta. Chúng dùng bom B52 rải thảm. Tôi nhớ, có lần đang bốc vác hàng vào kho thì một tiếng nổ lớn vang trời theo dạng cầu vồng. Tôi ở rất gần vị trí tiếng nổ, thậm chí mảnh vỡ bom nhỏ bắn trúng vào đầu tôi. Khi đó, chịu sức ép của tiếng nổ tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ chẳng thể nào sống sót.
Hay có người bạn cùng quê Hà Tĩnh chúng tôi ở huyện bên cạnh, anh ấy là lính xe tăng, gặp nhau, hỏi tên nhau và hẹn ngày chiến thắng sẽ tìm gặp nhau, thế nhưng anh ấy đã mãi mãi ra đi chẳng trở về. Khi về, gia đình kể nghe anh ấy đã hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử".
Nỗi đau suốt cả đời người
Trở về sau khi cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam kết thúc, ông Tường tiếp tục phục vụ ở Sư đoàn 470 và Binh đoàn 12, làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng, lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ khi về hưu, ông tham gia hoạt động tại Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Khi nhắc đến công việc của hội da cam, ông Tường bật khóc: “Tôi thấy mình mang nợ với đồng đội, nhiều đồng đội gia đình không còn ai. Khi làm tại hội da cam, tôi xuống tận nhà tìm hiểu thì thấy bằng liệt sĩ nằm ở nhà thờ họ. Hay có người lính ở Quảng Bình sinh 15 người con đều bị chất độc màu da cam, nay chỉ còn 2 con mà cũng không có tương lai... Chiến tranh khốc liệt, chất độc hoá học mà địch rải xuống ngày ấy đã khiến những người lính từng tham gia chiến tranh phải chịu nỗi đau suốt cả cuộc đời”.
Dù còn đau đáu về những điều mà nạn nhân chiến tranh gặp phải, thế nhưng ông Tường cho biết cung đường huyền thoại Hồ Chí Minh ông đã trở lại nhiều lần, vẫn còn ký ức chiến tranh. Còn vùng biên giới Lào – nơi ông đóng quân giờ đây cũng đã đổi khác, cây cầu đã được xây hiện đại hơn, đời sống bà con cũng ngày càng được cải thiện. Điều đó, đủ để thấy rằng thế hệ người lính như ông luôn khát vọng hòa bình, được sống trong hoà bình là một điều may mắn đã trở thành sự thật, đất nước đang từng ngày đổi mới.
“Mỗi lần quay trở lại đây, tôi đều nhớ đến đồng chí, đồng đội của mình bằng tất cả tình cảm chân thành nhất. Tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ ngày nay cố gắng phát huy truyền thống của cha anh, làm sao phấn đấu làm giàu cho gia đình và cho đất nước, không phụ lòng của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc”, ông Tường bày tỏ mong muốn của mình.