Sáng 30/11, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình bệnh viện vừa phẫu thuật, cấp cứu trường hợp nữ bệnh nhân Lê Ngọc Đ. (46 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bị máy xay thịt cuốn dập nát bàn tay trái.
Bệnh nhân Đ. được đưa đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 10h40 ngày 27/11, trong tình trạng đau đớn do bàn tay trái bị cuốn vào máy xay thịt. Các ngón tím tái, đau nhức dữ dội, đang dính chặt vào khay inox không lấy ra được.
Thông tin của gia đình bệnh nhân Đ., vào sáng cùng ngày, trong khi vệ sinh máy xay thịt thì gặp nạn, bàn tay trái bị máy xay thịt nghiền nát. Nhân viên y tế địa phương đã nhanh chóng xử lý vết thương, cầm máu sau đó chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám xác định tổn thương: dập nát 4 ngón tay bàn tay trái, xử lý cấp cứu cầm máu, sử dụng kháng sinh, giảm đau, tiêm ngừa uốn ván cùng lúc thực hiện các xét nghiệm và chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật.
Ê-kíp do Ths.Bs.Trương Nhật Tôn, Bs.Mai Đình Duy (Trung Tâm Chấn thương chỉnh hình), Bs.CK1 Lưu Tuyết Kiều (Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức). Các bác sĩ cẩn trọng tháo rời từng bộ phận chiếc máy xay, thực hiện gỡ bàn tay bệnh nhân ra khỏi máy để tiến hành phẫu thuật các ngón tay bị thương.
Bàn tay trái vết thương dập dập nát, gãy phức tạp ngón 3, đầu ngón 3 tím tái, vết thương phức tạp, tuần hoàn mạch máu nuôi ngón tay bị tổn thương nặng nề không thể khâu nối, nguy cơ hoại tử cao nên các bác sĩ quyết định tháo ngón 3.
Các vết thương ngón 2, 4 và 5 phẫu thuật viên tiến hành rửa vết thương, cắt lọc, khâu gân gấp các ngón, xuyên kim cố định xương ngón 2, kiểm tra các đầu ngón hồng. Phẫu thuật diễn ra trong 60 phút. Với sự nỗ lực hết mình, các bác sĩ đã phẫu thuật bảo tồn thành công 4 ngón tay còn lại của bàn tay trái.
Sau phẫu thuật đến nay tâm lý bệnh nhân ổn định. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, vận động nhẹ để phục hồi tối đa chức năng vận động ở các bộ phận được khâu, nối.
Khuyến cáo tuân thủ an toàn lao động
Bs.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung Tâm Chấn Thương Chỉnh Hình BV ĐKTW CT cho biết bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân vào cấp cứu vì tai nạn do máy quấn như máy xay thịt, cá, ép nước … nhưng hiếm có trường hợp mang cả máy theo. Đa số các trường hợp tai nạn đều không cứu được toàn vẹn bàn tay dập nát do tổn thương phức tạp. Bác sĩ cũng lưu ý, vị trí đặt máy xay thịt luôn để máy xa tầm tay trẻ em kể cả khi không sử dụng. Khi máy đang hoạt động: Không nên sửa chữa hoặc kiểm tra các thiết bị bên trong, không nên dùng tay bốc thịt và ấn thịt trong máy. Nếu máy có sự cố, phải tắt nguồn điện trước khi kiểm tra nguyên nhân máy hỏng.
Do đó, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, khuyến cáo người dân nên tuân thủ quy trình an toàn lao động. Cần lưu ý cầm máu, sơ cứu người bị tai nạn lao động rồi chuyển ngay bệnh viện gần nhất.
Thanh Lâm