Chế tài không đủ mạnh, việc thu hồi khó khăn
Theo thống kê của bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có gần nghìn đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Có nhiều đơn vị chậm đóng nhiều năm, thậm chí gần 10 năm với số tiền rất lớn hàng chục tỷ đồng. Dù áp dụng rất nhiều biện pháp, nhưng việc thu số tiền chậm đóng trên gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số các đơn vị chậm đóng BHXH có 604 doanh nghiệp chậm đóng số tiền 130 tỷ đồng từ nhiều năm nay.
Số đơn vị này đã dừng hoạt động, hoặc chỉ có vài lao động. Số tiền chậm đóng này rất khó thu hồi, một số đơn vị không thể thu hồi được.
Theo ông Tuấn, từ tháng 4/2023, BHXH Việt Nam có quy định thay thế từ "Nợ" thành "Chậm đóng". Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về việc "chậm đóng", chậm 3 tháng vẫn là chậm và chậm 10 năm vẫn tính là chậm.
Để thu hồi số tiền chậm đóng, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã gọi điện, ban hành văn bản nhắc "nợ". Một số đơn vị bị tiến hành thanh tra việc chậm đóng và xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, khác với nghĩa vụ đóng thuế, BHXH không có thẩm quyền và quy định được kiến nghị dừng sử dụng hóa đơn hoặc cấm xuất nhập cảnh đối với các chủ doanh nghiệp "nợ" BHXH.
Do chế tài xử lý không đủ mạnh, nên việc thu hồi, xử lý các doanh nghiệp chậm đóng BHXH rất khó khăn.
Trao đổi với PV, ông Đinh Trọng Vân, Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra BHXH tỉnh Thanh Hóa cho hay, ngoài gọi điện, làm văn bản đôn đốc thì BHXH tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra.
Sau khi thanh tra, đơn vị chậm đóng BHXH đã bị xử phạt hành chính với số tiền mức cao nhất là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền phạt nhỏ hơn nhiều so với tiền chậm đóng nên các đơn vị chỉ đóng tiền phạt, không đóng số tiền chậm đóng.
Trước năm 2016, thẩm quyền khởi kiện việc chậm đóng BHXH là của cơ quan bảo hiểm. Từ 2009 – 2015, BHXH tỉnh Thanh Hóa với tư cách nguyên đơn đã khởi kiện 210 lượt vụ chậm đóng BHXH và đã thu hồi được số tiền 75 tỷ đồng.
Từ năm 2016 tới nay, quy định pháp luật thay đổi, thẩm quyền khởi kiện việc chậm đóng BHXH được giao cho công đoàn cơ sở.
Chuyển 5 vụ việc "nợ" BHXH sang công an nhưng không thể xử lý hình sự
Ông Đinh Trọng Vân thông tin thêm, từ năm 2016 đến nay, tổ chức công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa khởi kiện được vụ việc chậm đóng BHXH nào.
Bộ Luật hình sự quy định tội Trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc "nợ" trước đây và hiện tại thay bằng từ "chậm đóng" BHXH không được coi là trốn đóng BHXH.
Ngành BHXH tỉnh Thanh Hóa đã chuyển 5 hồ sơ chậm đóng BHXH qua Công an tỉnh Thanh Hóa và công an cấp huyện đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan công an đã trả lại hồ sơ vì vụ việc không có dấu hiệu hình sự.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây việc thu "nợ" BHXH là việc của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, ở tỉnh Thanh Hóa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tất cả huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thành lập được Tổ liên ngành thu tiền chậm đóng BHXH do chủ tịch UBND làm tổ trưởng. Các tổ này làm việc khá hiệu quả.
Hằng năm, BHXH Việt Nam đều giao tỉ lệ phần trăm số tiền chậm đóng cho các đơn vị trong đó có BHXH tỉnh Thanh Hóa. Số tiền chậm đóng của BHXH tỉnh Thanh Hóa vẫn nằm trong phạm vi cho phép và tỉ lệ giao của BHXH Việt Nam.