Theo các DN này, vì cán bộ công chức cố tình gây khó dễ cho họ trong nhiều giao dịch, cho nên họ buộc phải móc hầu bao hối lộ để giải quyết vấn đề hoặc củng cố các mối quan hệ bằng việc biếu xén quà, tiền nhân dịp lễ... Đây là động cơ phổ biến nhất khiến doanh nghiệp, người dân đưa hối lộ.
Theo lý giải của Thanh tra Chính phủ, những số liệu trên cho thấy, hối lộ có tác dụng vì hầu hết vấn đề của người dân, doanh nghiệp đã được giải quyết phần nào bằng đường “cửa sau”.
(Ảnh minh họa)
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, theo ý kiến của người dân thì họ là những người chủ động đưa hối lộ do họ thấy người khác làm vậy và làm theo, trong đó có cả những món quà cảm ơn. Và theo họ, việc này đơn giản hơn là việc tự họ phải giải quyết những thủ tục phức tạp.
Các DN cũng cho rằng, các khoản chi phí không chính thức rất tốn kém và DN nào nhanh chóng hối lộ thì thực tế kết quả kinh doanh lại tồi tệ hơn.
Lý giải điều này, bà Victoria Kwa Kwa - giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: "Hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi không chính thức, bị đòi hỏi, chào mời để giải quyết vấn đề. Thông thường, các khoản tiền này bắt nguồn từ phía cung. Thực tế chứng minh, các DN chọn giải pháp thay thế hối lộ đã hoạt động tốt hơn".
Để ngăn chặn nạn tham nhũng, nhóm nghiên cứu khảo sát đã đưa ra 7 khuyến nghị quan trọng, trong đó có việc xây dựng một cơ chế minh bạch thông tin thực sự, với chế tài giám sát chặt chẽ. Trong đó, vai trò của báo chí được đánh giá cao. Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần trao quyền cho báo chí tiếp cận dễ dàng hơn.
Kết quả thanh khảo sát của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, bốn ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Trong khi đó, bốn ngành ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Khánh Tuân