F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) do Mỹ sản xuất từ lâu đã đứng đầu danh sách các nền tảng phần cứng quân sự mà Ukraine muốn có để đối đầu tốt hơn với Nga.
Mặc dù Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp tới 65 chiếc máy bay phản lực thế hệ thứ 4 này, những con “Chim Cắt” đầu tiên trong số đó sẽ không được giao cho đến ít nhất là cuối mùa hè này.
“Tất cả người dân Ukraine đang chờ đợi ngày những chiếc F-16 đầu tiên xuất hiện trên bầu trời của chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hồi tháng 2.
Câu hỏi được đặt ra trong giới hàng không là liệu số lượng chiến đấu cơ phương Tây có quá ít để có thể tác động đến diễn biến của cuộc chiến hay không?
Không phải “vũ khí thay đổi cuộc chơi”...
Hà Lan cùng với Đan Mạch và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine những chiếc F-16 Fighting Falcon cũ hơn khi các quốc gia NATO hiện đại hóa phi đội của mình với những chiếc F-35 Lightning II hiện đại hơn.
“Tổng cộng, chúng tôi sẽ bàn giao 24 máy bay chiến đấu F-16. Chúng sẽ được bàn giao cho Ukraine ngay khi mọi thứ sẵn sàng. Thời điểm này phụ thuộc vào việc đào tạo phi công và kỹ thuật viên Ukraine, cũng như vào cơ sở hạ tầng”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Ukrinform (Ukraine) được thực hiện tại The Hague hồi đầu tháng này.
Nhưng sự chậm trễ trong việc đưa F-16 đến Ukraine có thể hạn chế hiệu quả của chúng. Đầu tháng này, một sĩ quan quân đội cấp cao của Ukraine nói với Politico rằng “F-16 là cần thiết vào năm 2023, nhưng chúng sẽ không còn phù hợp cho năm 2024”.
Theo vị quan chức này, các tên lửa chống tăng do Anh và Mỹ cung cấp trong những tuần đầu của cuộc chiến tỏ ra có tính chất quyết định đối với các lực lượng của Kiev. Ngược lại, sự chậm trễ kéo dài trong việc chuyển giao một số loại vũ khí – chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của phương Tây mới đến tiền tuyến vào năm ngoái – đã khiến chúng trở nên kém quan trọng hơn trên chiến trường. Trường hợp tương tự đang xảy ra với F-16.
Ngoài ra, các chuyên gia gợi ý với Newsweek rằng số lượng máy bay chiến đấu mà Ukraine vận hành có thể sẽ quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt chiến lược trên toàn bộ chiến tuyến dài tới gần 1.000 km, đặc biệt là khi Nga cũng đã tranh thủ được vô số thời gian để chuẩn bị, kể từ khi Mỹ công khai quyết định cho phép chuyển giao F-16 hồi tháng 8 năm ngoái cho tới nay.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã tìm cách hạ thấp kỳ vọng về những gì “Chim Cắt” có thể mang lại. Ông cho biết, mặc dù F-16 có thể mở rộng khả năng của Quân đội Ukraine nhưng loại tiêm kích này có thể sẽ không đủ sức ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình ở khu vực chiến đấu.
“Một loại vũ khí đơn lẻ không thể thay đổi tình hình trên chiến trường”, ông Stoltenberg được tờ Ukrainska Pravda dẫn lời cho biết. “Đây không phải là viên đạn bạc có thể thay đổi cục diện cuộc chiến. Tuy nhiên, F-16 rất quan trọng. Chúng sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc đẩy lùi bước tiến của Nga hơn nữa”.
Ngoài ra, Ukraine sẽ cần được đào tạo nhiều hơn cũng như cần thêm đạn dược, phụ tùng thay thế và cơ sở hạ tầng khi tiếp nhận Fighting Falcon từ các đồng minh. Việc xây dựng đường băng và cơ sở vật chất được trang bị để vận hành những máy bay chiến đấu này cũng là một nỗ lực cần làm ngay và tốn kém.
Vì những lý do đó, F-16 không nên được coi là loại “vũ khí thay đổi cuộc chơi” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
…Nhưng vẫn có những tác dụng nhất định
F-16 là máy bay phản lực thế hệ thứ 4 được sản xuất từ những năm 1970 và được hơn 20 lực lượng không quân trên toàn thế giới sử dụng. Xét về nhiều khía cạnh, những chú “Chim Cắt” là chiến đấu cơ thành công và phổ biến nhất đang hoạt động hiện nay.
Mặc dù không còn được sử dụng trong Không quân Mỹ, nó vẫn được gã khổng lồ hàng không vũ trụ và quốc phòng Lockheed Martin tiếp tục sản xuất để bán ra nước ngoài.
F-16 Fighting Falcon là một máy bay có khả năng nhưng nó cũng sẽ là “thỏi nam châm thu hút lực lượng phòng không Nga và máy bay Nga”, ông Frank Ledwidge, giảng viên cao cấp về Luật và Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Portsmouth (Anh) và là cựu sĩ quan tình báo Quân đội Anh, cảnh báo.
Vì Moscow sở hữu một kho vũ khí tiên tiến bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa đất đối không, về cơ bản các máy bay chiến đấu F-16 được chuyển giao cho Ukraine sẽ trở thành đối tượng dễ bị tấn công.
Trong những cảnh báo mới nhất gửi đến NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 3 tuyên bố những chiếc máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây hứa sẽ gửi tới Ukraine sẽ không thay đổi được tình hình trên chiến trường.
“Và chúng tôi sẽ phá hủy máy bay giống như chúng tôi đã phá hủy xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác ngày nay, bao gồm cả các hệ thống tên lửa phóng loạt”, ông Putin nói, nhấn mạnh rằng F-16 cất cánh ở bất kỳ nước thứ 3 nào đều sẽ trở thành “mục tiêu chính đáng của chúng tôi”.
Khi những chiếc F-16 tiếp tục được xúc tiến triển khai tới Kiev, Quân đội Ukraine cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt các loại vũ khí và hệ thống quân sự thiết yếu khác. Sự thiếu hụt nổi bật nhất vào lúc này là đạn dược cho pháo binh phương Tây và vũ khí đã được chuyển đến Kiev trong hơn 2 năm qua.
Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng việc cầm chân các lực lượng của Moscow ngày càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn cung đạn pháo của Kiev ngày càng cạn kiệt. Nếu khả năng “thay đổi cuộc chơi” của Fighting Falcon không còn, thì có lẽ “Chim Cắt” vẫn sẽ được hoan nghênh ở Ukraine khi chúng có thể giúp tăng cường vận chuyển đạn dược.
Sự góp mặt của F-16 Fighting Falcon có thể giúp Kiev giữ vững chiến tuyến và có thể khiến cuộc chiến trên không ở Ukraine càng trở nên tốn kém hơn đối với Điện Kremlin khi các lực lượng Nga được cho là đã mất một số chiến đấu cơ Su-34 và Su-35. Fighting Falcon có thể không bảo vệ tuyệt đối bầu trời Ukraine, nhưng nó sẽ đảm bảo rằng Nga không bao giờ có thể cảm thấy mình có ưu thế trên không.
Minh Đức (Theo National Interest, Newsweek)