Không chỉ bạn đọc mà chính những người làm trong ngành y cũng hoang mang trước thông tin 7/18 bệnh nhân bị tử vong khi chạy thận ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, vào chiều ngày 29/5, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo đến bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Sau lọc máu khoảng 45 phút, tất cả bệnh nhân đều có các biểu hiện của sốc phản vệ. Họ đã được chuyển sang cấp cứu ngay lập tức. Nhưng đáng tiếc, 7 bệnh nhân đã không qua khỏi dù bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Toàn bộ thuốc, hóa chất của khoa Thận nhân tạo đã được niêm phong để điều tra, xác định nguyên nhân tử vong.
Vẫn biết rằng những rủi ro, biến chứng trong y khoa không phải hiếm gặp song đây là trường hợp tai biến trong chạy thận nhân tạo để lại hậu quả nghiêm trọng nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua. Hơn nữa, những nghi vấn về chất lượng thuốc men, thiết bị phục vụ điều trị lọc máu tại bệnh viện càng trở nên có cơ sở hơn khi các chuyên gia về thận nhân tạo cũng băn khoăn về việc xảy ra phản ứng đồng loạt, gây tử vong cho 7 bệnh nhân trong cùng một ngày.
Tuy vậy, ta hãy tạm nén nỗi đau trước những mất mát không thể lấy lại được để nhìn vào ý thức trách nhiệm cũng như sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp kịp thời của các cơ quan chức năng và lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Trước hết, ta thấy được tinh thần đó qua sự hỗ trợ điều trị và cấp cứu kịp thời của 2 kíp chuyên gia về thận nhân tạo và dị ứng được bệnh viện Bạch Mai cử đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố. Nỗ lực đó đã giúp sức khỏe của 10 bệnh nhân tạm thời ổn định.
Đồng thời, các khoa ở bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân ở Hòa Bình được chuyển về Hà Nội trong đêm 29/5. Ngoài ra, khoảng 100 bệnh nhân lọc máu chu kỳ đã được sắp xếp điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian đơn vị Thận nhân tạo của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh tinh thần sẵn sàng trực chiến của toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã đến động viên các bệnh nhân và người nhà ngay sau khi xảy ra tai biến. Tỉnh hỗ trợ mỗi trường hợp gia đình có bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.
Về phía bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo đoàn công tác do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn lên làm việc, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình các bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.
Khoảng 22h cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để thăm hỏi bệnh nhân.
Cuối cùng, phải kể đến cách người đứng đầu bệnh viện đối mặt với sự cố đáng tiếc này. Không né tránh, rút sợi dây kinh nghiệm, cũng không dựa vào 2 chữ quy trình, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã thừa nhận đây là “sự cố y khoa rất nghiêm trọng” và gửi lời xin lỗi tới gia đình bệnh nhân tại cuộc họp báo.
Và chúng ta hãy cứ an lòng, bởi vì trách nhiệm vẫn ở đây!
Trang Hà