“Có im đi không”
Dù nóng giận, nhưng việc thốt ra câu nói này sẽ khiến bé bị tổn thương. Đôi khi, nên lắng nghe con cái tâm sự, chia sẻ... để hiểu con hơn. Như vậy, bạn không chỉ cho con quyền nói mà cả quyền tranh luận trong khuôn khổ cho phép.
Xưng hô “mày-tao”
Nhiều bố mẹ vì nóng giận nên không kiểm soát được lời nói của mình. Tuy nhiên, việc xưng hô “mày-tao” với con là không lịch sự, thiếu văn hóa. Cách xưng hô này sẽ ảnh hưởng xấu đến con trẻ, khiến các bé bắt chước những lời nói không hay đó.
“Con chẳng bao giờ...”
Những câu nói như thế này rất hay được các ông bố bà mẹ buột miệng nói ra trong lúc bực mình. Cụm từ “lúc nào cũng”, “chẳng bao giờ” có thể gắn chặt lấy bé suốt đời. Trẻ sẽ nghĩ mình đúng là dạng người vô dụng như cha mẹ vẫn “gắn mác” cho bé, không bao giờ thay đổi được và không cần phải thay đổi.
“Bố/mẹ không muốn có đứa con như con"
Khi nghe câu này, bé sẽ cảm thấy không được thương yêu, tôn trọng và mong đợi. Chúng sẽ mang theo "ấn tượng" này cho đến lớn và vì thế sẽ khó giữ được tình cảm.
"Bố mẹ không yêu con nữa”
Khi bạn nói với con trẻ điều đó, thế giới trong mắt chúng gần như sụp đổ. Mối quan hệ với mẹ - đó là chiếc cầu nối chúng với cuộc sống xung quanh, mất chiếc cầu ấy, với trẻ sẽ là một vực sâu mà chúng không biết bám víu vào đâu.
"Sao con xấu tính giống bố/ mẹ con thế!"
Không nên chê bai ai đó trước mặt con mình, điều này sẽ tạo ra sự nhìn nhận không hay của trẻ đối với bố (mẹ).
“Đưa đây, để bố/mẹ làm cho...”
Cha mẹ thấy trẻ lóng ngóng làm những công việc như nhặt rau, gấp chăn, quét nhà,... thường bực mình và muốn làm hộ con luôn cho xong việc. Tuy vậy, hành động này sẽ khiến trẻ chẳng bao giờ tự học được cách làm việc gì, từ đó sinh ra tâm lý ỷ lại.
Phương Vy (t/h)