Khạc nhổ trên đường phố là phạm luật
Kể từ năm 2003, việc khạc nhổ ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc không đơn giản chỉ còn bị nhắc nhở, cảnh cáo một cách đơn lẻ mà còn được xem là hành vi vi phạm luật pháp. Thủ đô của quốc gia đông dân nhất hành tinh này đã chi tới hàng triệu nhân dân tệ để phát động một chiến dịch lớn kêu gọi người dân không khạc nhổ ở nơi công cộng và trên đường phố.
Song song với việc treo pano, áp phích, tranh vẽ cổ động, mọi người không khạc nhổ, thành phố Bắc Kinh còn cho đặt các thùng rác và cung cấp bao nilon để ngăn ngừa tình trạng khạc nhổ vô tội vạ của người dân nơi đây. Chiến dịch này được phát động rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài, TV, Internet, điện thoại di động...
Chống khạc nhổ trên đường phố là một cách giữ chân du khách khi đến Thượng Hải .
Đặc biệt, chính quyền thành phố còn bỏ ra cả một khoản tiền lớn để sản xuất những chiếc túi nilon và xây dựng một đội ngũ chuyên đi phát túi cho các tài xế taxi. Theo phân tích của các nhà chức trách ở đây, tài xế tắc xi là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với du khách và đóng vai trò khá quan trọng trong việc giữ gìn hình ảnh của thành phố, quốc gia.
Và những chiếc túi nilon sẽ giúp họ từ bỏ thói quen hạ cửa kính và "trút nỗi buồn" ra ngoài đường. Loại bao này sẽ được gắn vào lưới kim loại quanh chỗ ngồi của tài xế, vì thế cả bác tài lẫn hành khách có thể dễ dàng sử dụng. Sản phẩm đặc biệt này được Ủy ban vệ sinh Thượng Hải cung cấp miễn phí cho 45.000 chiếc taxi.
Theo Trung Hoa nhật báo, quy định cấm khạc nhổ được chính quyền Thượng Hải đưa ra sau khi quyết định kêu gọi mọi người từ bỏ thói quen xấu và thiếu lịch sự này. Trước đó, Thượng Hải đã cho gắn ống nhổ vào các thùng rác dọc đường phố nhưng chương trình này đã thất bại do dân chúng nghĩ đó là gạt tàn thuốc.
Cùng với việc phát động chiến dịch và phát túi nilon, chính quyền thành phố Bắc Kinh còn tăng cường đội ngũ giám sát viên, lắp đặt thêm camera tại các khu trung tâm, khu vui chơi giải trí, công viên, nhà hàng... nhằm phát hiện những người thường xuyên khạc nhổ nơi công cộng. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị phạt tại chỗ với số tiền tương đương 31 nhân dân tệ. Nếu ai không nộp phạt được sẽ phải lau chùi "sản phẩm" của mình và cả các khu vực rộng lớn xung quanh.
Cũng phát động chiến dịch cấm khạc nhổ nơi công cộng như Bắc Kinh, nhưng Quảng Châu thậm chí còn đề xuất các giải pháp mạnh tay hơn. Trước tình trạng khạc nhổ bừa bãi ở Quảng Châu không giảm, năm 2010, một khu liên hợp nhà ở dành cho những người thu nhập thấp của thành phố Quảng Châu đã đưa ra đề xuất: Bất cứ ai bị phát hiện khạc nhổ 7 lần nơi công cộng sẽ bị tịch thu nhà ở. Tuy nhiên, do hình phạt khá nghiêm khắc và nhận phải nhiều phản đối của các bộ ngành nên đề xuất này hiện vẫn chưa được áp dụng.
Với phần đông người dân Bắc Kinh, Thượng Hải, cấm khạc nhổ nơi công cộng là điều ý nghĩa. Trong một cuộc thăm dò diễn ra sau khi lệnh cấm được thực hiện, kết quả cho thấy, gần như toàn bộ người dân đều ủng hộ điều luật này.
Chị Lam Kính Tâm - nhân viên một ngân hàng ở Trung Quốc phấn khởi cho biết: “Tôi vốn rất dị ứng với hành động thiếu văn minh này. Trước kia, mỗi khi bắt gặp ai đó khạc nhổ hoặc chẳng may giẫm chân phải một bãi khạc nhổ nơi công cộng tôi thường có cảm giác bị ám ảnh và sau đó thì không thể ăn được gì khi nghĩ đến hành động đó. Nhưng bây giờ thì tôi đã có thể yên tâm hơn phần nào rồi”.
Bác Dương Hoàng Âu –một cán bộ nghỉ hưu ở Bắc Kinh cũng chia sẻ: “Luật cấm ban hành đã khiến môi trường trong sạch hơn và quan trọng nhất là, điều này sẽ khiến hình ảnh của những thành phố lớn ở Trung Quốc đẹp hơn, văn minh hơn trong mắt du khách nước ngoài”. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ đó, vẫn còn không ít ý kiến bảo thủ cho rằng, đó là một phản xạ tự nhiên rất đỗi bình thường. Anh Vương Vỹ Vỹ- một lao động tự do ở thành phố Bắc Kinh nói: “Tôi không nghĩ đây là một thói quen xấu, khạc nhổ sẽ giúp thông phổi và tốt cho sức khoẻ, điều này không đáng để cấm”.
Trên nhiều đường phố Bắc Kinh luôn có sự hiện diện của những bức tranh cổ động chống khạc nhổ.
Cấm khạc nhổ nơi công cộng vì một thành phố văn minh
Thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh của Trung Quốc xưa nay vốn rất nổi danh với những di sản văn hoá cổ kính có từ ngàn đời. Đây là điểm tham quan hấp dẫn với nhiều khách du lịch đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Và điều này mang đến những doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế hai thành phố này. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài tới đây đã bị ám ảnh bởi thói quen nhổ bọt, khạc đờm rất mất vệ sinh của không ít người dân nơi đây.
Là một người Bỉ rất yêu thích những nét cổ kính của nền văn hóa phương Đông huyền bí, anh Giorge Pierre đã nhiều lần đưa vợ và con gái đến Bắc Kinh để tìm hiểu, khám phá những kho tàng văn hóa lịch sử ở nơi đây.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Trung Quốc, khi được hỏi về những suy nghĩ của anh khi đến với thủ đô của 1 đất nước đang trên đà phát triển như vũ bão này, anh Giorge Pierre đã không ngần ngại chia sẻ: “Bắc Kinh cái gì cũng đẹp, duy chỉ có 1 thứ chưa đẹp đó là hành vi khạc nhổ bừa bãi của người dân”.
Ngay cả với người dân bản địa, trong một cuộc thăm dò được tiến hành vào đầu tháng 3 năm 2002, người dân Bắc Kinh đã coi việc khạc nhổ nơi công cộng là hành vi đứng đầu trong những thứ họ không thể chấp nhận được khi sống ở thủ đô của đất nước Trung Quốc này.
Khạc nhổ nơi công cộng không những làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do mất vệ sinh mà còn có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Năm 2003, trước nguy cơ lây lan với tốc độ chóng mặt qua đường hô hấp và qua nước bọt của bệnh dịch SARS, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã ra lệnh cấm mọi người khạc nhổ nơi công cộng và trên đường phố.
Ngay sau đó, nhằm chuẩn bị cho thế vận hội Olympic năm 2008, chính quyền thành phố Bắc Kinh một lần nữa thắt chặt lệnh cấm nhằm loại bỏ hoàn toàn thói khạc nhổ - một hành động được cho là rất xấu của người dân nơi đây để cải thiện hình ảnh của người Trung Quốc trong bối cảnh nước này sẽ là chủ nhà Olympic 2008. Vậy là hàng loạt các biện pháp và chế tài được đưa ra để thực thi lệnh cấm này.
Để loại bỏ hoàn toàn một thói quen đã hình thành và tồn tại nhiều năm thực sự không phải là vấn đề đơn giản. Mặc dù luật cấm đã ban hành cả chục năm nay, những bức tranh cổ động không khạc nhổ được dán ở nhiều nơi, nhưng hành vi kém văn minh này vẫn chưa thể được loại bỏ triệt để. Bởi lẽ, những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải thường có quá đông người dân nhập cư. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực cùng chế tài xử phạt nghiêm khắc, hiện nay tại những thành phố lớn ở Trung Quốc, thói quen xấu này cũng đã được cải thiện rất nhiều.
Đào Vũ