Làm bài ngay khi được phát đề
Theo cô giáo Ngô Thị Thanh Bình, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), nhiều học sinh nghĩ thi trắc nghiệm dễ "ăn" điểm, nhưng thực tế, hình thức thi này lại rất không an toàn vì dễ mắc một số lỗi đáng tiếc trong quá trình làm bài, gây ảnh hưởng đến kết quả.
Một trong các lỗi phổ biến là làm bài ngay khi được phát đề. Các thí sinh sẽ có 10 phút (kể từ khi phát đề cho đến khi tính giờ làm bài) để kiểm tra đề và tô mã đề vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuy nhiên rất nhiều thí sinh chủ quan sau khi nhận được giấy thi không điền đầy đủ thông tin, mà để đến cuối giờ mới viết. Điều này dễ gây ra nhầm lẫn và thiếu sót, đặc biệt là việc tô nhầm mã đề vào phiếu dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm số.
Không đọc yêu cầu đầu bài
Theo cô Bình, nhiều thí sinh thường làm bài theo thói quen mà không để ý yêu cầu của đề bài, đặc biệt là loại bài tìm từ đồng nghĩa ngược nghĩa. Trong các bài luyện thường thì các em sẽ làm bài đồng nghĩa trước và ngược nghĩa sau, nhưng khi đi thi thì điều này chưa chắc đã đúng nên các em phải gạch chân hoặc khoanh tròn những key words trong đề bài trước khi làm để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Không đọc hết câu
Lỗi này thường gặp ở các học sinh khá giỏi, các em thường chủ quan chỉ đọc 1/2 câu và cảm thấy đúng liền vội vàng khoanh đáp án mà không hề biết rằng có khi thông tin còn lại có thể làm thay đổi nghĩa của câu. Bởi vậy, cô Bình đưa ra lời khuyên các em hãy bình tĩnh kiên nhẫn đọc hết câu mà đề bài đã cho rồi sau đó mới chọn đáp án.
Tô đáp án không đúng cách
Việc tẩy không sạch đáp án cũ khi chọn một đáp án mới hoặc tô không đủ đậm hay tô không vừa khít với ô đáp án rất nguy hiểm vì khi chấm, máy sẽ tự động hiểu là có 2 đáp án hoặc thí sinh không tô đáp án nên không có điểm.
Để trống câu trả lời
Các em có thể làm câu dễ trước, câu khó sau nhưng việc này dễ dẫn đến quên trả lời những câu mà mình đã bỏ qua trước đó để tập trung suy nghĩ cho những câu khác. Chính vì vậy, các em phải chú ý dành thời gian để làm những câu mình đã bỏ qua trước đó để tránh mất điểm.
Không phân bổ thời gian hợp lý
Đây là một trong những lỗi phổ biến mà các thí sinh thường mắc phải. Các em thường dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, do đó không đủ thời gian làm những câu còn lại. Các em cần phân bổ thời gian một cách hợp lý, tránh quá tập trung suy nghĩ một câu mà bỏ những câu khác. Tránh trường hợp gần hết giờ mới làm những câu còn lại thì sẽ khó đạt được kết quả cao.
Về việc phân bổ thời gian khi làm bài, cô Nguyễn Thị Sinh, giáo viên Trường THCS & THPT M.V Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, các em nên làm bài theo thứ tự dễ trước, khó sau để không lãng phí thời gian.
Nếu gặp câu khó hãy dành một khoảng thời gian nhất định, nếu không làm được, tạm thời bỏ qua để làm các câu dễ hơn và quay lại làm sau. Nếu quá sa đà vào làm câu khó, các em sẽ vô tình bỏ qua những câu dễ, câu gỡ điểm ở phía sau.
"Mình thấy câu nào dễ thì làm trước, câu khó làm sau, như vậy có thể làm đề nhiều vòng mà không mất thời gian ở bất kì phần nào. Có nhiều bạn nghĩ làm bài đọc trước sẽ tốt hơn nhưng thực tế, có những đề thi, phần bài đọc sẽ khó hơn với các câu còn lại.
Do đó, tôi luôn khuyên học sinh của mình cứ nhìn một lượt đề thi, sau đó khoanh vùng xem bài nào dễ thì làm luôn, tận dụng tối đa thời gian và có bài thi đạt kết quả cao nhất", cô Sinh nói.
Chọn nhầm ô trả lời
Cô Nguyễn Thị Sinh chia sẻ thêm, theo cô, lỗi sai mà rất nhiều học sinh mắc phải trong quá trình làm bài thi môn tiếng Anh là sự bất đồng giữa kết quả giữa đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm. Chẳng hạn, khi học sinh khoanh vào đề đáp án B nhưng sau đó lại tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm đáp án D.
Chính vì thế, cô Sinh khuyên các em học sinh cần đặc biệt lưu ý, khi làm bài, chuyển luôn kết quả ngay sau khi khoanh vào đề thi, tránh trường hợp bị “tô lệch”.
"Một số bạn có thói quen làm bài, khoanh đáp án vào đề thi và sau đó, dành ra khoảng 10 phút cuối giờ để chuyển toàn bộ đáp án sang phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong đó rất nhiều trường hợp các bạn bị chuyển nhầm, sai đáp án dẫn đến mất điểm oan. Do đó, các em học sinh cần đặc biệt chú ý với lỗi sai này”, cô Sinh lưu ý.
Minh Hoa (t/h theo báo Tin Tức, Lao Động)