Khăn mặt
Nhiều người có thói quen dùng khăn mặt cả năm, thậm chí dùng đến khi cũ, rách mới thay. Đây là một thói quen cần thay đổi.
Cho dù khăn mặt hay khăn tắm trông còn mới nhưng chúng thường được để trong phòng tắm, là nơi có chứa nhiều tóc, da chết và có độ ẩm cao nhất trong nhà. Đây chính là môi trường hoàn hảo để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
Hơn nữa khăn mặt thường được dệt bằng chất liệu cotton, lâu ngày vi khuẩn rất dễ ký sinh trong các kẽ sợi bông, khó làm sạch. Việc phơi nắng hay luộc với nhiệt độ cao chỉ tạm thời khống chế không làm cho vi khuẩn phát triển. Thêm vào đó, khăn dùng lâu ngày chất vải cũng thay đổi, có thể gây hại cho da. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe tốt nhất chúng ta nên thay khăn mặt, khăn tắm khoảng 4-5 tháng/lần.
Bông tắm
Bông tắm dễ dàng trở thành nơi trú ngụ của các loại vi khuẩn có hại, nấm mốc và tích tụ nhiều tế bào da chết. Cùng với điều kiện ẩm ướt và không gian kín của phòng tắm, vi khuẩn sẽ càng có cơ hội để phát triển. Vì vậy, hãy thay bông tắm khoảng 3 -4 tuần một lần đối với sản phẩm tự nhiên và 2 tháng một lần đối với loại được làm từ nhựa.
Bàn chải đánh răng
Theo nghiên cứu của Bioteca (Hàn Quốc), sau 3 tháng, bàn chải đánh răng trở thành ổ chứa của 4 triệu vi khuẩn, bao gồm cả E-coli trong phân người. Mỗi lần giật xả bồn cầu, những phân tử nước li ti sẽ bắn ra ngoài, mang theo vi khuẩn cơ thể vừa thải ra, bám vào lông bàn chải ở gần đó.
Tiến sĩ Curatola thuộc khoa nha Rejuvenation (Mỹ) cho biết, vi khuẩn trên bàn chải đánh răng còn nhiều hơn bệ ngồi toilet. Nghiên cứu khác từ Đại học Quinnipiac (Mỹ) cũng phát hiện, 60% bàn chải chứa cùng loại vi khuẩn trong toilet. Đặc biệt, vi khuẩn bồn cầu có khả năng nhảy xa 3m. Nếu phòng tắm có diện tích nhỏ hơn 3 m2, bàn chải không tránh khỏi sự tấn công của chúng.
Việc rửa bàn chải bằng nước và kem đánh răng không loại bỏ được vi khuẩn. Vì vậy, các nha sĩ đưa ra lời khuyên nên thay bàn chải 3 tháng một lần hoặc sau đợt cúm, nhằm đảm bảo sức khoẻ răng miệng cho cả nhà.
Cọ toilet
Cọ toilet chắc chắn là một trong những đồ vật chứa nhiều vi khuẩn nhất. Vì vậy cọ toilet nên được thay khoảng 6 tháng một lần để đảm bảo vệ sinh.
Lưỡi dao cạo râu
Dùng dao cạo râu cũ khiến việc cạo râu của bạn không mấy suôn sẻ. Không những thế, dùng dao cạo mà không thay lưỡi dao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và gây mụn trứng cá do vi khuẩn tích tụ lâu ngày. Dao cạo để ở những nơi ẩm ướt như trong phòng tắm càng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn.
Do đó, sau khi cạo xong hãy nhớ rửa sạch lưỡi dao rồi để khô ráo hoặc cất vào nơi thoáng mát. Nếu phát hiện lưỡi dao có dấu hiệu bị cùn, gỉ sét hay đóng cặn mà không thể rửa sạch thì đừng ngần ngại thay mới lưỡi dao đó. Tốt nhất để hạn chế tối đa khả năng lây lan của vi khuẩn, bạn nên thay mới lưỡi dao sau mỗi 5-7 lần cạo.
Lược chải tóc
Lược là nơi tích tụ bụi, chất bẩn, dầu, các sản phẩm dưỡng tóc,... Dùng một chiếc lược trong thời gian dài có thể huỷ hoại mái tóc của bạn. Do đó, sau khoảng 1 năm sử dụng bạn nên thay một chiếc lược mới.
Rèm cửa nhà tắm
Rèm cửa nhà tắm cũng là vật dụng dễ bị bẩn và nấm mốc. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên nên giặt rèm ít nhất mỗi tháng một lần và sau 1 năm sử dụng nên thay rèm mới.
Minh Hoa (t/h)