Đó là báo cáo trong quyết định phê duyệt về chương trình hành động của tỉnh Quảng Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030 vừa được lãnh đạo tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 5 vừa qua.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là TP Hội An với gần 28% diện tích bị ngập; tiếp theo là các huyện Điện Bàn với hơn 26%; Duy Xuyên với gần 16%; TP Tam Kỳ hơn 17% và Núi Thành với hơn 15% diện tích bị ngập.
Để đối phó với tình trạng ngập lụt do nước biển dâng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đề ra những giải pháp như: Điều chỉnh quy hoạch hoạt động du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu; tôn tạo và bảo vệ các di tích lịch sử, di sản văn hóa trong điều kiện biến đổi khí hậu; quan tâm các dự án nạo vét lòng sông, để đảm bảo thoát lũ vào mùa mưa, đồng thời khai thông lòng sông để phát triển các loại hình du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tham quan các làng nghề dọc hai bên bờ sông.
Ngoài ra, xây dựng chính sách quản lý của các nhà đầu tư vào những khu vực có đa dạng sinh học và thuộc vùng có hệ sinh thái nhạy cảm như rừng dừa nước Cẩm Thanh, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm…
Theo Công Bính (Dân trí)