Trao đổi với báo chí, TS.Nguyễn Cao Luận- nguyên Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai) nhận định, nếu có trường hợp sốc phản vệ “chùm” như vậy thì phải xem xét nhiều yếu tố như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc…
Vị bác sĩ với 40 năm trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo cho biết, ông cũng đã chứng kiến nhiều ca bệnh biến chứng trong quá trình chạy thận nhân tạo, cũng không ít ca tử vong. Tuy nhiên, trường hợp sốc phản vệ “chùm” như vậy thì rất hiếm gặp.
Theo TS.Luận, quá trình chạy thận nhân tạo là khi máu được dẫn ra ngoài cơ thể bằng vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để lọc. Do đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường gặp biến chứng và sốc phản vệ không ít. Các biến chứng thường gặp như tụt huyết áp, nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, sốt ớn lạnh…
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ không chừa một ai. Đặc biệt với bệnh nhân chạy thận, hội chứng hiếm gặp nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân là hội chứng mất cân bằng. Khi đó bệnh nhân có thể nôn, buồn nôn, nhức đầu… và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như co giật, đờ đẫn, hôn mê.
Một PGS công tác tại đại học Y dược TP.HCM nhận định, có những nguyên nhân liên quan đến quá trình lọc máu như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc… Cần phải xem xét xem hệ thống xử lý nước chạy thận có đảm bảo tinh khiết hay không? Việc rửa quả lọc có đảm bảo sạch chất khử khuẩn hay không? Nếu để xảy ra nhiều người bị sốc phản vệ như vậy thì phải xem xét đến quá trình truyền máu, thuốc chống đông, dịch thẩm tách có đảm bảo hay không?
Cũng theo vị PGS này, tất cả các thuốc, hoá chất và dụng cụ y khoa đều có thể gây ra những phản ứng phụ tuỳ mức độ nặng nhẹ. Có một phản ứng phụ đáng sợ nhất và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh đó chính là sốc phản vệ.
Bản chất của sốc phản vệ là một phản ứng quá mức của cơ thể với các chất lạ đưa vào cơ thể theo hoặc không theo cơ chế miễn dịch.
Phản ứng này sinh ra các chất hoá học và những chất này là thủ phạm gây ra tình trạng sốc phản vệ trên lâm sàng mà điển hình là tình trạng rối loạn tuần hoàn, hô hấp, phản ứng ngoài da với mức độ từ nhẹ cho đến nặng nề.
Cụ thể như ngưng tim, ngưng thở, đe doạ tính mạng và có thể tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Mức độ nặng nhẹ lại phụ thuộc vào chính bản thân của người bệnh tương tác với thuốc chứ ít phụ thuộc vào liều thuốc đưa vào cơ thể.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, để biết chính xác nguyên nhân vụ việc xảy ra tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình cần chờ kết luận từ phía bộ Y tế.
N.G