Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" do BHXH Việt Nam và bộ Y tế phối hợp tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% người dân tham gia BHYT.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, BHYT là chính sách xã hội đặc biệt quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc. Nó vừa là trụ cột cơ bản của chính sách tài chính y tế quốc gia vừa là trụ cột trong tổng thể chính sách an sinh xã hội với bản chất của một phương thức chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong xã hội tiến bộ, giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh.
Số người tham gia BHYT tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% vào năm 2011 và đến nay đã đạt trên 82%. Người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và nhiều đối tượng đặc thù khác đã được Nhà nước hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng và bảo đảm; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT ngày càng được nâng cao. Số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tăng hàng năm. BHYT đã góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và phù hợp xu thế phát triển chung trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt.
Hiệu quả công tác truyền thông về BHYT còn chưa cao, không ít cán bộ và người dân chưa thấy hết quyền lợi và trách nhiệm tham gia. Một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách BHYT cho người lao động. Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí bằng BHYT còn gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh. Sự phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chưa tốt; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục gây bức xúc dư luận.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục nhanh hạn chế yếu kém, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khuyến khích mọi người dân tham gia BHYT, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, phải quán triệt và nhận thức sâu sắc về vai trò của BHYT như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình công tác.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tham gia BHYT theo hộ gia đình; bảo đảm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ.
Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi khâu, mọi quá trình trong thực hiện chính sách BHYT.
Bốn là, xây dựng chế tài chặt chẽ để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động cũng như các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, địa phương và cá nhân thực hiện tốt chính sách BHYT.
Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Sáu là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Tạo điều kiện, đồng thời quản lý tốt việc các bệnh viện tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, qua đó giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và hạn chế tối đa lãng phí. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT để mỗi người dân, các tổ chức hiểu về lợi ích, trách nhiệm tham gia BHYT.
“Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác ngoài nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân - mà với bất kỳ ai, sức khỏe là quý nhất. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Vì mục tiêu "Sức khỏe cho mọi người" và xây dựng một cộng đồng an toàn về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng một xã hội Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh; với tinh thần tương thân, tương ái – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình tham gia hỗ trợ, mua và tặng thẻ BHYT cho những người dân đang còn gặp khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là sự thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình.
Cũng tại chương trình này, bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, theo kế hoạch phát triển BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT, đồng thời với việc mở rộng mạng lưới đại lý thu. Hiện nay, cơ quan BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng bộ Y tế cũng chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB, giám định và thanh toán chi phí được triển khai mạnh mẽ tại tất cả các cơ sở y tế thuộc các tuyến. Tới hết quý I/2017, gần 95 % cơ sở đã thực hiện liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Nguyễn Huệ