Các thành viên của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner PMC, theo một thỏa thuận được dàn xếp theo sau cuộc binh biến thất bại hồi tháng 6 năm ngoái, hiện vẫn đang ở Belarus và nhận được sự hỗ trợ của lực lượng an ninh sở tại.
Các thước phim trên truyền hình về các cuộc diễn tập chung thường cho thấy quốc kỳ Belarus, cờ của các cơ quan thực thi pháp luật Belarus cùng với cờ của Tập đoàn Wagner. Thứ trưởng Nội vụ kiêm Tư lệnh Nội vụ Belarus Mikalai Karpiankou thậm chí còn được nhìn thấy đeo phù hiệu có hình ảnh của Wagner.
Người đi, kẻ ở
7 tháng trước, vào cuối tháng 6/2023, người sáng lập Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã khởi xướng một cuộc binh biến vũ trang chống lại giới lãnh đạo quân sự Nga. “Trùm” Wagner đã dẫn lực lượng của mình vào Nga từ Ukraine, chiếm được trụ sở của Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don và hành quân về phía thủ đô Moscow.
Người đứng đầu Wagner gọi cuộc binh biến là “cuộc tuần hành của công lý” nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga. Nhóm của ông Prigozhin gặp rất ít sự kháng cự và đã bắn rơi ít nhất 6 trực thăng quân sự và một máy bay sở chỉ huy, khiến ít nhất 10 phi công thiệt mạng.
Qua sự trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và sự đồng ý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc nổi loạn đã chấm dứt, với việc ông Prigozhin đồng ý di chuyển sang Belarus để đổi lấy sự miễn trừ khỏi vụ án hình sự mà Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở. Các chiến binh Wagner tham gia cuộc binh biến cũng không bị truy tố.
Cuối tháng 8 năm ngoái, “trùm” Wagner được cho là đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Nga. Hiện nay, chỉ còn chưa đầy 1.000 lính Wagner đang hiện diện ở Belarus. Hầu hết họ đang đóng quân trong doanh trại ở quận Osipovichi, thuộc vùng Mogilev, ngay phía Đông Nam thủ đô Minsk. Trước đó, con số là gần 4.000 hoặc thậm chí là 10.000 như chính Tập đoàn Wagner từng tuyên bố. Câu hỏi đặt ra là số lính Wagner còn lại vẫn đang làm gì ở Belarus, 7 tháng sau cuộc binh biến?
Ông Valery Sakhashchyk, một chỉ huy nổi tiếng người Belarus lưu vong có quan hệ với thủ lĩnh phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, cho biết hàng chục lính Wagner – những người “đang tìm kiếm sự an toàn, ổn định và sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập thấp hơn” – đang nhận được hộ chiếu Belarus, với tên và ngày tháng năm sinh mới, và đang gia nhập lực lượng cảnh sát bán quân sự trực thuộc Bộ Nội vụ Belarus.
Công cụ hữu ích
Theo ông Sakhashchyk, giới lãnh đạo Belarus khó có thể đưa ra bất cứ điều gì đặc biệt để lôi kéo lính Wagner ở lại. Lương quân nhân ở Belarus thấp hơn nhiều so với mức lương mà họ quen thuộc ở Nga, ông Sakhashchyk cho biết.
Do đó, ông Sakhashchyk cho biết khả năng cao rằng sẽ có thêm nhiều thành viên Wagner rời khỏi đất nước. “Belarus đã trở thành điểm trung chuyển cho họ. Nhiều người đã ký hợp đồng với nhiều chính quyền Nga và một số đã bay đến vhâu Phi. Không còn đủ lính đánh thuê ở Belarus để gây ảnh hưởng đến các sự kiện”, vị cựu chỉ huy nói.
Đối với những người chọn ở lại, ông Sakhashchyk cho biết, sự hiện diện của họ ở Belarus đã gây ra căng thẳng xã hội lớn và thu hút sự phản kháng đáng kể, ngay cả từ các lực lượng vũ trang sở tại, nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Nội vụ Belarus.
Ông Ryhor Nizhnikau, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, chỉ ra rằng Minsk coi lính Wagner là một “công cụ chính trị hữu ích”. Chính quyền của Tổng thống Lukashenko có thể sử dụng họ để huấn luyện lực lượng an ninh Belarus, hoặc như một “chiến thuật hù dọa” đối với các sự kiện đông người.
Ông cũng tin rằng Điện Kremlin thu lợi từ sự hiện diện của lính Wagner ở Belarus. Hầu như toàn bộ lực lượng Nga đồn trú ở nước này kể từ năm 2021 đã được rút quân và chuyển đến mặt trận Ukraine. Ông Nizhnikau cho rằng ông Putin đang coi lính đánh thuê Wagner là đơn vị chiến đấu khẩn cấp, nếu cần thiết.
“Đối với ông Putin, điều quan trọng là ông ấy có thể duy trì ít nhất sự hiện diện nào đó ở Belarus. Tôi tin rằng ông ấy ám ảnh về các cuộc cách mạng màu, nghĩ rằng phương Tây có thể lật đổ bất kỳ chính phủ thân Nga nào trong khu vực”, ông Nizhnikau nhận định.
Minh Đức (Theo DW, AP)