Theo thống kê của bệnh viện Tâm Thần Thanh Hóa, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị nghiện rượu bia dẫn tới loạn thần phải nhập viện điều trị ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2017 là 624 bệnh nhân, năm 2018 là 682 bệnh nhân và 5 tháng đầu năm 2019 có 318 bệnh nhân bị loạn thần do nghiện rượu bia phải nhập viện.
Độ tuổi của người rối loạn tâm thần do hành vi sử dụng rượu thấp nhất là 26 tuổi và cao nhất là 97 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 20 – 30 tuổi chiếm 1,89%, tuổi 31 – 40 chiếm 19,5%, tuổi 41 – 50 chiếm 36,78%, tuổi từ 51 – 60 chiếm 28,3%, tuổi 61 – 70 chiếm 12,89%, từ 71 tuổi trở lên chiếm 0.94%. Có tới 99,37% bệnh nhân loạn thần do uống rượu bia phải nhập viện Tâm Thần Thanh Hóa điều trị trong những năm qua là nam giới.
Về trình độ học vấn, gần như đại đa số những người bị loạn thần do nghiện rượu bia có trình độ tốt nghiệp THPT trở xuống, trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên chỉ chiếm 3%.
Phần lớn người nghiện rượu bia dẫn tới loạn thần đều ở vùng nông thôn, miền núi, họ thường làm nông nghiệp, thợ xây, lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định.
Biểu hiện lâm sàng của người nghiện rượu bia dẫn tới loạn thần là sảng rượu. Cụ thể, sảng rượu là biểu hiện nặng nhất của hội chứng cai rượu bia và xuất hiện ở những người nghiện rượu bia mãn tính thường có cơ thể gầy yếu, suy kiệt, quá mệt mỏi hoặc có bệnh lý khác dẫn tới phải ngừng uống rượu.
Biểu hiện ban đầu của sảng rượu là bệnh nhân mất ngủ, loạng choạng, run lấy bẩy, rối loạn thần kinh thực vật, co giật … Nếu không được điều trị kịp thời, 22 – 33% người bị sảng rượu sẽ bị tử vong.
Nghiện rượu dẫn đến rất nhiều rối loạn cơ thể và tâm thần như rối loạn thích ứng, trầm cảm, lo âu và mất ngủ thường xuyên ở người nghiện rượu. Uống rượu nhiều dẫn đến các bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh tim mạch và tổn thương hệ thần kinh, loét dạ dày –hành tá tràng, xơ gan và viêm tụy ...
Người nghiện rượu có tỷ lệ cao bị ung thư thực quản, dạ dày hoặc các phần khác của ống tiêu hóa. Bệnh rất phổ biến ở người nghiện rượu là tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim. Người nghiện rượu sẽ bị trầm cảm chính rối loạn này dẫn đến bệnh nhân có hành vi tự sát.
Tại Việt Nam, rượu là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông gây ra bao hệ lụy cho gia đình và xã hội. Thống kê, hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, khoảng gần 30% số vụ gây trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Khi một người nghiện rượu mãn tính vì lý do nào đó ngừng uống rượu và xuất hiện các rối loạn như trên cần phải đưa đi khám và điều trị sớm để tránh nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ Trịnh Văn Anh, Giám đốc bệnh viện Tâm Thần Thanh Hóa cho biết, khó khăn lớn nhất đối với việc điều trị cho những người nghiện bia rượu là bệnh nhân rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần không phối hợp với y bác sĩ trong điều trị. Ngoài ra, những bệnh nhân này thường có bệnh lý cơ thể kèm theo như bệnh về gan, tiêu hoá, tim mạch, tiểu đường ... nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn và phải mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, sự phối hợp, quan tâm của gia đình các bệnh nhân khi họ điều trị tại chưa tốt.
Khi một người nghiện rượu mãn tính vì lý do nào đó ngừng uống rượu và xuất hiện các biểu hiện như trên thì cần phải đưa đi khám và điều trị sớm để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
X.C.