Impact Chapter: Vietnam - Chương trình Thúc đẩy Kinh doanh tạo tác động là một hoạt động đầu tư tạo tác động dựa trên tài chính hỗn hợp triển khai từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023. Chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động tại Việt Nam. Được phối hợp triển khai bởi doanh nghiệp Merry Year Social Company (MYSC) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Theo đó, "Impact Chapter: Vietnam" tìm kiếm, hỗ trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới, tạo tiềm năng vượt trội để giải quyết các thách thức xã hội và môi trường. Tổng giá trị tài trợ mà các Doanh nghiệp tham gia chương trình lên đến gần 100,000 USD. Trong đó, doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ được nhận gói tài trợ trị giá 50,000 USD và một số khoản tài trợ bổ sung. Các doanh nghiệp tiềm năng nhất sẽ tiếp tục có cơ hội nhận đầu tư từ MYSC và các nhà đầu tư tạo tác động khác.
Trong vòng gọi hồ sơ quan tâm vào tháng 4/2022, có 73 hồ sơ đăng ký tham gia đã được gửi về. Có 12 đề án phù hợp nhất đã được lựa chọn để tham gia vào một chương trình tăng tốc kéo dài ba tháng với ba nội dung chính:
Thứ nhất, cung cấp các nguồn tài chính hỗn hợp bốn tầng: mở rộng kênh bán hàng - đầu tư vốn cổ phần - vốn vay ưu đãi - khoản tài trợ.
Thứ hai, tổ chức đào tạo, cố vấn tăng cường năng lực kinh doanh, năng lực thực hành quản trị ESG, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, kết nối các nhà đầu tư tạo tác động và các tổ chức trung gian hỗ trợ để xây dựng mạng lưới nhà đầu tư tạo tác động tại Việt Nam, thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các dự án tạo tác động xã hội.
Dựa vào các đánh giá trong suốt quá trình tăng tốc, 7 đề án đã được lựa chọn để thuyết trình tại sự kiện Pitching Day chiều ngày 15/11/2022. Hai đề án có tiềm năng nhất nhận được gói tài trợ trị giá 10.000USD lọt vào vòng Demo Day dự kiến tổ chức vào tháng 2/2023 là Weshare và Larva Yum. Đề án xuất sắc nhất sẽ được trao gói tài trợ trị giá 50.000USD.
Trong đó, Weshare là đề án về Nền tảng Weshare quyên góp từ thiện từ phần “tiền hoàn ví” của các đơn hàng mua sắm trên Tiki, Lazada, Shopee đến từ công ty Công ty TNHH Weshare.Asia. Còn dự án Larva Yum của Doanh nghiệp Green Connect đưa ra giải pháp tận dụng mô hình ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ thành những sản phẩm mang giá trị cao cho bà con nông dân và tạo tác động tốt đến môi trường.
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP cho biết, các doanh nghiệp đã có sự tiến bộ rõ nét sau quá trình 3 tháng đào tạo, cố vấn nâng cao năng lực mà MYSC và CSIP tổ chức.
“CSIP hy vọng với sự hỗ trợ của chương trình, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ thành công trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư, cùng kiến tạo một hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động phát triển mạnh mẽ”, bà Oanh nói.
Nhận gói tài trợ, anh Huỳnh Hạnh Phúc, đại diện dự án Larva Yum của Green Connect bày tỏ mong muốn được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở những địa phương có nhiều phụ nữ, cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi,… đang chăn nuôi gà, để đồng hành với họ trong việc xử lý rác hữu cơ và đưa sản phẩm ra thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mới hồi phục sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động dù gặp nhiều khó khăn để phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng đã đưa ra nhiều mô hình kinh doanh thích ứng, sáng tạo, gắn với phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Để những mô hình kinh doanh mới phát huy được hết tiềm năng, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, cộng đồng và các bên liên quan từ vốn tài chính đến công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là nâng cao năng lực.
Mỹ Sao