Trao đổi với PV, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.Hà Nội cho rằng cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi bỏ số tiền lớn như vậy ra chỉ xây một thứ gọi là tạm.
Theo ông Nghiêm, đã gọi là tạm thì không nên xây loại tốt đến mức thừa. Ông Nghiêm cũng cho biết thêm về quy hoạch, từ năm 2003, TP.Hà Nội đã có quy hoạch một trạm trung chuyển xe ở Pháp Vân. Tuy nhiên, khi đưa vào thực hiện phải cân nhắc thật kỹ phương án nào cho phù hợp nhất.
Nói về phương án xây dựng bến xe tạm Pháp Vân, ông Nguyên Văn Thạc, chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Nam Định cũng không đồng tình. Theo ông Thạc, dù đã có quy hoạch từ trước nhưng không thể xây dựng bến xe tạm, sẽ không tốt.
Khu đất dự kiến xây dựng bến xe tạm Pháp Vân cách không xa bến xe Nước Ngầm giống như đảo giao thông, nằm giữa nhiều đường cao tốc trên cao, dưới thấp. Vị trí này đang là nơi thường xuyên tắc đường - Ảnh: Đan Hạ
“Khi xây dựng xong, nếu quản lý không khéo có thể làm tăng lượng xe dù bến cóc, tệ nạn quanh bến xe mới. Hơn nữa, việc xây dựng bến xe ở nút giao Pháp Vân có thể gây ra ùn tắc dây chuyền. Đã là bến xe thì khó tránh được cảnh người đông, xe cộ đi lại như nêm, rồi còn taxi, xe ôm… đón trả khách. Chưa kể ngày lễ tết, nhu cầu đi lại tăng cao. Nếu không có quản lý điều hành tốt rất có thể gây ra tắc nhiều con đường chạy qua nút giao này… Xây bến xe tạm Pháp Vân chắc chắn không thuận tiện cho việc đi lại của người dân”, ông Thạc nêu ý kiến.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định cũng kiến nghị TP.Hà Nội cần xem xét thật kỹ để vừa tránh lãng phí, vừa sử dụng quỹ đất hợp lý. Nên xem xét cân nhắc phương án chuyển bớt xe về các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Giáp Bát… là phương án hay nhất.
Đồng quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát cách vị trí dự kiến xây dựng bến xe tạm Pháp Vân cũng không xa và vẫn còn năng lực khai thác được thì không nên lãng phí tiền của.
Đại diện một số hiệp hội vận tải khác cũng cho rằng, hiện nay tổng công suất thiết kế các bến xe khách liên tỉnh của Hà Nội là 5.000 lượt xe/ngày. Trong khi đó, tổng lượng xe khách đăng ký khai thác mới chỉ hơn 3.600 lượt xe/ngày. Như vậy, thừa hơn 1.000 lượt xe/ngày mà TP.Hà Nội lại chủ trương xây thêm bến xe tạm Pháp Vân là quá lãng phí.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng chỉ cần xây bến xe tạm Pháp Vân theo tiêu chuẩn loại 3 sẽ phù hợp với nhu cầu 500 xe từ phía Nam đến Hà Nội mỗi ngày.
Dù chưa có bến xe nhưng gần khu đất dự kiến xây bến xe tạm Pháp Vân thường xuyên có xe dù bến cóc - Ảnh: Đan Hạ |
Trao đổi với PV ở gần khu đất dự kiến định xây bến xe tạm Pháp Vân, không ít tài xế lắc đầu lè lưỡi tỏ vẻ khó hiểu với chủ trương của TP.Hà Nội.
“Tôi chưa thể hình dung nổi mình sẽ đi vào bến, ra bến xe tạm Pháp Vân như thế nào khi được bao quanh bởi nhiều cầu, đường trên cao, một chiều. Người dân muốn đi bộ vào bến sẽ rất bất tiện, không thể đi bộ trên đường cao tốc trên cao, trên cầu hay đường một chiều”, anh Nguyễn Văn Thuận, 35 tuổi, kỹ sư chuyên thiết kế công trình giao thông, sống gần khu đất dự kiến xây bến xe tạm Pháp Vân nêu ý kiến.
Cũng theo anh Thuận, vị trí ô đất dự kiến xây bến xe tạm Pháp Vân không khác đảo giao thông, là bùng binh kết nối giữa đường vành đai 3 cao và thấp với đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, có rất nhiều đường xen kẽ với nhau. Đây là điểm thường xuyên ùn tắc, nếu có thêm bến xe thì dù thiết kế, điều phối thế nào cũng khó tránh được bất hợp lý, gây tắc đường.
Trước đó, chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT xây dựng bến xe tạm tại nút giao Pháp Vân với mục tiêu “chia lửa” cho các bến xe khác. Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã đưa ra phương án thiết kế bến xe loại 1, diện tích 2,8 ha, tổng mức đầu tư lên đến 74 tỉ đồng chưa kể kinh phí làm thêm đường ngoại vi cho xe ra vào.
Theo Thanh Niên Online