Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thủy văn cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu về phòng, chống thiên tai và đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của Đất nước, ngành KTTV Việt Nam - thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn “miệt mài” hoàn thành nhiệm vụ vừa dự báo, cảnh báo thiên tai. Nhằm giảm nhẹ thiệt hại đồng thời nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho ngành và ứng dụng trong nước và mở rộng phục vụ quốc tế nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội; phục vụ công tác quản lý, điều hành chính sách, lập chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, năng lượng, khai thác khoáng sản,…
Theo GS.TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng tổng cục Khí tượng thủy văn, bộ Tài nguyên và Môi trường, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của ngành Khí tượng Thủy văn đã qua nhiều lần thay đổi, song ở bất giai đoạn nào các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành luôn nêu cao tinh thần yêu nước.
Vừa dũng cảm chiến đấu trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, vừa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Tuy nhiên, ngành KTTV vẫn còn gặp nhiều khó, khi thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu KTTV, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ. Mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn.
Hơn nữa, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như: dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV”, ông Thái cho hay.
Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn khẳng định, Ngành KTTV sẽ không chùn bước trước khó khăn. Với khẩu hiệu “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Khí tượng Thủy văn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời thể hiện cam kết của ngành Khí tượng Thủy văn trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội và từng người dân về việc tăng cường quản lý nhà nước hoạt động khí tượng thủy văn, phục vụ hiệu lực, hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phòng, chống thiên tai.
Chặng đường lịch sử ra đời của ngành KTTV Việt Nam được ghi dấu xác định từ ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc bộ Công chính và Giao thông với tên gọi sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đến ngày 17/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 3/10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam.