Di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người
Tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2019, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, cục Cảnh sát hình sự (bộ Công an) cho biết, theo báo cáo của cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán).
Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10 nghìn ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người.
Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê - Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư trái phép, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép), hàng năm, số lượt người Việt Nam xuất cảnh hoặc nhập cảnh đều khoảng 9 triệu người (10% tổng dân số cả nước).
Trong đó, đáng chú ý nổi lên tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người.
Những trường hợp di cư trái phép này, có thể gặp nhiều nguy hiểm, không an toàn, không được pháp luật bảo vệ, dễ bị bắt cóc, lạm dụng hoặc trở thành nạn nhân của mua bán người. Điển hình như thời gian qua, Cảnh sát Anh phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xác định 39 thi thể người có quốc tịch Việt Nam trong thùng xe container tại khu công nghiệp Grays ở Thurrock, hạt Essex, đông bắc London, đang trên đường di cư trái phép vào vương quốc Anh.
Di cư để du học nước ngoài, trong đó số người đi du học theo học bổng từ ngân sách nhà nước hay theo các điều ước quốc tế giữa chính phủ Việt Nam với nước ngoài, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn là du học tự túc. Hiện nay, có khoảng 100 nghìn người Việt Nam đang theo học ở nước ngoài, chủ yếu là tại các trường của các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Canada, Nhật, Pháp, Úc, Anh, New Zealand… Một số ít có thể bị đối tượng phạm tội lợi dụng đưa người ra nước ngoài trái phép để bắt lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục.
Các hình thức tội phạm mua bán người
Thượng tá Đinh Văn Trình cũng cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1.200 vụ với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc. Trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%. Số nạn nhân bị lừa bán theo hình thức di cư hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là bị lừa bán thông qua di cư trái phép ra nước ngoài.
Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động, khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tuỳ thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc; Xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả; Dùng tiền làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài sau đó bán để cưỡng bức lao động.
Cuối cùng, Thượng tá Đinh Văn Trình cũng thông tin thêm, thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi. Một số nước miễn thị thực, nên đối tượng phạm tội tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Để phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép, Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết, tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vừa mới ban hành có liên quan đến vấn đề phòng, chống mua bán người và di cư trái phép.
Đồng thời, các bộ ngành có liên quan hoàn thiện các quy định có liên quan đến phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ công dân Việt Nam tại nước sở tại…