Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài những nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế, cần xem xét lại trách nhiệm kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong vấn đề này.
Doanh nghiệp được bật đèn xanh?
Đứng đầu danh sách nợ thuế tại Hà Nội là công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long với số thuế nợ lên tới gần 283 tỷ đồng. Tiếp đó là các công ty cổ phần Cầu 12-Cienco 1 với số tiền nợ đọng tới hơn 81 tỷ đồng; công ty cổ phần Viglacera Hà Nội với trên 70 tỷ đồng; công ty cổ phần Cavico cầu hầm nợ hơn 68 tỷ đồng; công ty cổ phần tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ hơn 52 tỷ đồng, công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp với trên 34 tỷ đồng nợ thuế…
Tính đến thời điểm này, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ đạt 93,7% so với cùng kỳ năm trước. Do đó nhiều khả năng, số thu ngân sách Nhà nước của TPHà Nội cả năm 2013 sẽ hụt so với dự toán được giao. Việc các doanh nghiệp nợ đọng thuế với số lượng lớn sẽ khiến công tác thu - chi ngân sách của TP.Hà Nội những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn.
Theo cục Thuế TP.Hà Nội, TP.Hà Nội cũng đã thực hiện giãn, giảm, miễn 2.677 tỷ đồng tiền thuế cho người dân, doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, mặc dù nỗ lực thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, Hà Nội vẫn không tránh khỏi tình trạng các doanh nghiệp nợ thuế chồng chất lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nguyên phó ban 157 chống buôn lậu và gian lận Thương mại TP. Hà Nội. Ông Phú nhấn mạnh: "Thuế là ngân sách Nhà nước nên bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành. Doanh nghiệp nào chậm thì phải báo cáo và trình bày lý do chậm trễ chứ không nên để cho các cơ quan phải thông báo như thế. Đây là hiện tượng xuất phát từ hai phía. Doanh nghiệp vi phạm Pháp lệnh thuế. Bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thông báo chậm. Tôi cũng chưa rõ là con số 1.800 tỷ đó là tồn đọng từ bao giờ. Tại sao một con số lớn như thế bây giờ mới được công bố. Chính vì thế, cơ quan thuế phải có trách nhiệm trong vấn đề này chứ không thể đổ thừa cho doanh nghiệp".
Số tiền thuế nợ đọng tại Hà Nội lên tới 1.800 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Để lý giải tại sao số thuế nợ lại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, vị chuyên gia này thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Trong câu chuyện này, tôi cho rằng có phần buông lỏng quản lý. Cục Thuế Hà Nội và tổng cục Thuế có phần chưa sát sao, các cán bộ thi hành cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vấn đề này. Trước đây, doanh nghiệp Nhà nước mà chậm một đồng tiền thuế là bị nhắc nhở rất nhiều. Doanh nghiệp mà không nộp là phải nhận hết thông báo nọ đến thông báo kia. Phải chăng có chuyện bật đèn xanh cho doanh nghiệp nợ thuế? Tôi không thể lý giải tại sao cơ quan thuế lại để nợ hàng nghìn tỷ đồng trong khi ngân sách của thành phố đang bị thiếu hụt. Cần phải kiểm điểm nghiêm túc từ cả hai phía, phải đặt ra vấn đề để giải quyết. Nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ thì phải tiến hành siết nợ và có những biện pháp hành chính khác.
Trong danh sách 77 doanh nghiệp đang chây ỳ, nợ đọng tiền thuế tính đến ngày 15/9 thì đứng đầu đều là các đại gia, tổng công ty bất động sản lớn tại Hà Nội như: Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, công ty cổ phần Cầu 12-Cienco 1, công ty cổ phần Viglacera Hà Nội... Chính vì thế, theo ông Phú, muốn biết nguyên nhân có phải phần lớn từ bất động sản hay không thì phải kiểm tra cho rõ. "Chúng ta vẫn nói bất động sản đang đóng băng nhưng dư luận vẫn chưa rõ thu nhập của bất động sản là bao nhiêu. Nguyên nhân chậm thuế có phải do khó khăn của thị trường này không?", ông Phú nói.
Nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh
Trước thực trạng trên, vị nguyên phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị: Cục Thuế Hà Nội phải yêu cầu các doanh nghiệp trình bày lý do chậm đóng thuế, nếu lý do chính đáng, TP. Hà Nội xem xét hợp lý thì có thể cho gia hạn. Bên cạnh đó, cục Thuế cũng phải kiểm điểm các cá nhân theo dõi hoạt động đóng thuế của doanh nghiệp đó. Đánh giá xem cá nhân đó theo dõi, đôn đốc ra sao mà để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Doanh nghiệp phải giải trình còn cơ quan Nhà nước phải đôn đốc giám sát. Nếu các doanh nghiệp không giải trình được, không đưa ra thời hạn đóng thuế thì buộc phải siết nợ.
Cần xử lý triệt để các trường hợp chậm thuế bởi nếu cứ tiếp tục để tình trạng tồn đọng, chây ỳ tiếp diễn, sẽ trở thành tiền lệ cho các doanh nghiệp khác. "Từ trước đến nay, đã có không ít trường hợp nợ thuế bị chuyển sang nợ quá hạn, bị ngân hàng siết nợ. Cốt lõi là phải tìm ra nguyên nhân, khách quan, chủ quan thế nào từ đó mới có biện pháp xử lý. Khi xử lý cũng không cần thận trọng, không thể xử lý một cách vô lối. Nếu không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này", ông Phú nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, cần điều tra ngay lý do nợ đọng của các doanh nghiệp này để có biện pháp xử lý tùy vào sai phạm của mỗi doanh nghiệp. Nếu cần thiết, các cơ quan quản lý phải áp dụng biện pháp cưỡng chế "mạnh tay" đối với một vài doanh nghiệp để răn đe và làm gương cho các đơn vị khác. Biện pháp xử lý có thể là xử lý hành chính, hoặc với những doanh nghiệp cố tình vi phạm ở mức độ nặng có thể khởi tố về mặt hình sự. Nếu không làm nghiêm sẽ là tiền lệ xấu cho những mặt trái về vấn đề nợ đọng sau này. Nhiều doanh nghiệp vì thấy các doanh nghiệp khác nợ đọng không bị xử lý mà tự cho phép mình chậm hoặc ỷ lại, không đóng thuế cho Nhà nước.
Nhìn nhận từ góc độ luật pháp, luật sư Trần Đình Triển (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để số nợ nhiều như vậy diễn ra trong một thời gian dài, điều đáng trách đầu tiên là các cơ quan Nhà nước. Chính vì thế, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Đó là do yếu tố khách quan hay do họ cố tình trốn thuế. Đối với các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Nhà nước, nghĩa vụ của họ phải nộp thuế. Nếu họ tìm mọi cách để chây ỳ, trốn thuế hay dù với bất cứ lý do gì thì cũng là một hình thức sai phạm, cần phải xử lý nghiêm bằng các chế tài cụ thể.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề, luật sư Trần Đình Triển kiến nghị: Một là cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất để thực hiện trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước. Hai là, nếu họ cố tình vi phạm, cố tình chây ỳ thì tùy theo tính chất vụ việc mà có thể xử lý hình sự hoặc hành chính. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao sự việc diễn ra lâu như vậy cơ quan quản lý không có biện pháp cưỡng chế để thu hồi thuế ngay mà để số nợ đọng lên đến hàng nghìn tỷ đồng?. Đây là một sai lầm ở khâu quản lý Nhà nước. Nếu doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì phải thu hồi giấy phép hoặc nếu đủ điều kiện có thể làm theo thủ tục phá sản. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với đội ngũ lãnh đạo và cơ quan chủ quản để xảy ra tình trạng chậm thuế.
Dương Thu - Hồng Dương