78,5% nguyên nhân căng thẳng của học sinh là do thi cử

78,5% nguyên nhân căng thẳng của học sinh là do thi cử

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 4, 01/08/2018 20:06

Đó là con số đáng chú ý được báo cáo trong Hội thảo Tâm lý học đường Quốc tế lần thứ 6 tổ chức sáng nay (1/8) tại Hà Nội.

Sáng 1/8, tại trường đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo Tâm lý học đường Quốc tế lần thứ 6. Hội thảo năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 1-2/8 với sự tham dự của nhiều đại biểu trong và ngoài nước.

Ngay sau khi khai mạc, Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo quý báu của các nhà nghiên cứu. Các vấn đề nóng trong tâm lý học đường đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ để rồi từ đó tìm ra biện pháp để cải thiện tình hình.

Giáo dục - 78,5% nguyên nhân căng thẳng của học sinh là do thi cử

Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Một trong số đó là câu chuyện thi vượt cấp, đặc biệt là tại các thành phố lớn đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi lẽ đây là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất hiện nay. Báo cáo của thầy Đỗ Văn Đoạt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thực hiện một khảo sát nhỏ trên 290 học sinh THCS và THPT của Hà Nội về cách ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã tạo cơ sở khoa học cho các biện pháp hình thành kĩ năng ứng phó với căng thẳng cho học sinh trong các trường học.

Theo chia sẻ của thầy Đỗ Văn Đoạt, 290 học sinh được khảo sát có độ tuổi trung bình 16, có hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Học sinh ngoại thành cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một chút so với học sinh nội thành. Những học sinh được hỗ trợ tài chính nhiều căng thẳng hơn so với những học sinh được hỗ trợ tài chính ít hơn. Điều này thể hiện sự kiểm soát về tài chính, những cam kết được thiết lập trong gia đình cũng là yếu tố gia tăng mức độ căng thẳng ở học sinh.

Trả lời câu hỏi “Yếu tố nào ảnh hưởng đến căng thẳng của học sinh?”, qua khảo sát, có đến 65,5% học sinh được hỏi chia sẻ nguyên nhân từ học hành và 78,5% từ việc thi cử. Một số học sinh (6,8%) không nhận diện được lý do nào khiến mình căng thẳng…

Theo thầy Đỗ Văn Đoạt, thực tế cho thấy, phần lớn học sinh cho rằng căng thẳng là một khuynh hướng, một phản ứng tâm lý của cơ thể. Căng thẳng bắt nguồn từ những áp lực bên ngoài tác động đến công việc học hành, sức ép tâm lý, sự bất lực, không có khả năng ứng phó, khối lượng bài vở gia tăng và có kì vọng cao. Số học sinh khác ví căng thẳng như là sự phá vỡ các thói quen thông thường, sự thiếu tập trung, nỗi thất vọng, phản ứng với môi trường nhiều áp lực, mất hứng thú, tự ti, trầm cảm,… Số ít học sinh lại nghĩ rằng, căng thẳng là vấn đề vượt quá sức chịu đựng về mặt cơ thể và tinh thần của cá nhân, làm cho cá nhân bị kiệt sức.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, thầy Đỗ Văn Đoạt cho biết, căng thẳng là hiện tượng phổ biến, đương nhiên xuất hiện trong cuộc sống của bất cứ lứa tuổi nào. Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi cao ở người học, tạo sức cạnh tranh lớn. Do đó, yêu cầu giáo dục một mặt định hướng tốt cho sự phát triển của học sinh, mặt khác, học sinh có thể có căng thẳng nếu không có những chiến lược ứng phó phù hợp.

“Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá căng thẳng và các chiến lược ứng phó với căng thẳng của học sinh thi chuyển cấp ở thành phố Hà Nội. Bởi thế, tôi cho rằng, khảo sát chiến lược ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp của học sinh ở Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Từ kết quả thực tiễn, nhà trường và gia đình cần thường xuyên tương tác với học sinh để giúp họ cải thiện thói quen học tập, quản lý thời gian hiệu quả, cách tự học, cách thư giãn và các kĩ thuật quản lý căng thẳng thiết thực, nhằm đạt hiệu quả của kỳ thi chuyển cấp” – thầy Đỗ Văn Đoạt cho hay.

Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức đã ra mắt cuốn Cẩm nang tâm lý học đường được xây dựng trên 6 trục nội dung, được sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần nhằm giúp quý thầy cô và phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò mình, con em mình. Cuốn sách ra đời với mong muốn được hỗ trợ quý phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân từ đó đưa ra phương pháp khắc phục. Cẩm nang cũng cung cấp những thuật ngữ cơ bản chuyên ngành (song ngữ) để thầy cô và phụ huynh dễ dàng tra cứu, đảm bảo tính chính xác - khoa học. Đây là một tài liệu quan trọng cho ngành tâm lý học đường tại Việt Nam tính đến thời điểm này. 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.