Trong một bức thư gửi cho “cô Ba”, Nguyễn Thị Thu Hồng, người ở Lái Thiêu, Bình Dương, viết rằng từ thủa nhỏ Hồng đã được ngoại tắm bằng xà bông Cô Ba, đến khi ở cữ, ông xã đem về nửa lô những cục xà bông này, chị mừng muốn rớt nước mắt. Cả một vùng ký ức và hoài niệm chợt bừng dậy. Vẫn cái hương thơm ấy, dù đã bao nhiêu năm, nhưng không lẫn vào đâu được. Nhưng cô Ba là ai, có phải là người sáng tạo ra sản phẩm này không, Hồng thắc mắc.
Bảng quảng cáo xà bông cô Ba. Ảnh: Tư liệu
Cô Ba chính là cô Ba Thiệu, con gái của thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, một hoa khôi đã từng đoạt vương miện của một cuộc thi sắc đẹp, đẹp đến nức tiếng thời bấy giờ. Cô là vợ nhà tư sản Trương Văn Bền và được ông chọn làm người mẫu in hình lên sản phẩm xà bông của hãng mình vào năm 1930. Bằng chất lượng và sự quảng bá rầm rộ, xà bông Cô Ba của hãng xà bông Việt Nam đã đánh bạt cả loại xà bông Marseille nhập cảng của Pháp, chiếm lĩnh cả thị trường Đông Dương, thậm chí còn xuất cảng đi Hương Cảng, Singapore…
Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ, có ít nhất hai thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba. Trước giải phóng, sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Sau ngày giải phóng, vì là tư sản dân tộc, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn còn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của Cô Ba vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc do thị trường lúc đó chưa có một “nhan sắc” xà bông ngoại lai nào.
Thế rồi sau đó, một cuộc đổ bộ ào ạt của những tập đoàn sản xuất chất tẩy rửa của nước ngoài đã khiến cho Cô Ba và các “nhan sắc” xà bông Việt Nam khác lùi vào bóng tối. Khi liên doanh với tập đoàn P&G, nhà máy Xà bông Việt Nam bị buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ. Tuy nhiên, sản phẩm xà bông Cô Ba được ngoại trừ, vẫn duy trì sản xuất đều đặn. Cái hay của lãnh đạo nhà máy trước cũng như công ty Phương Đông hiện giờ là chủ trương vẫn giữ sản phẩm này như một sản phẩm truyền thống. Cô Ba vẫn tồn tại dù đã qua biết bao thăng trầm, biến đổi của ngành sản xuất kinh doanh chất tẩy rửa.
Ngày nay, người Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ trưng hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc siêu thị Co.opmart. Vẫn là một cục xà bông nhỏ bé in hình một phụ nữ Việt Nam với cái vẻ đẹp cổ điển, kiêu sa của thời kỳ đầu thế kỷ trước. Trong cơn lốc cơ man những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với những cơn mưa các quảng cáo “bom tấn”, việc sản phẩm xà bông Cô Ba vẫn tồn tại với một sản lượng khá đáng kể hầu như là một điều kỳ diệu.
Cũng là điều dễ hiểu thôi nếu như bạn là người Sài Gòn, ở độ tuổi trung niên, một lần tình cờ gặp lại Cô Ba. Sẽ là xúc động bồi hồi như gặp lại một người thân, một người bạn và cơ man những kỷ niệm của thời thơ ấu. 80 năm và sẽ còn lâu hơn nữa, hương sắc Cô Ba sẽ vẫn còn tồn tại như những tác phẩm văn thơ hay nhạc tiền chiến đối với người Sài Gòn.
Đoàn Đạt